Với những đe dọa về việc sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như về khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ của Donald Trump sau khi đắc cử tổng thống, nước Mỹ đang tự tay mở cánh cửa vào châu Mỹ Latinh cho chính đối thủ của mình là Trung Quốc.

Donald Trump đang mở cửa cho Trung Quốc vào châu Mỹ Latinh?

Nhàn Đàm | 20/11/2016, 08:21

Với những đe dọa về việc sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như về khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ của Donald Trump sau khi đắc cử tổng thống, nước Mỹ đang tự tay mở cánh cửa vào châu Mỹ Latinh cho chính đối thủ của mình là Trung Quốc.

Sự kiện quan trọng nhất thời gian này hẳn là hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Lima, Peru, nơi lãnh đạo của 21 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương sẽ thảo luận về các vấn đề của nền kinh tế thế giới trong năm 2016.

Trung Quốc dĩ nhiên là nước nhận được nhiều sự chú ý nhất, khi nước này đang có kế hoạch thúc đẩy việc đẩy nhanh tốc độ đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có dấu hiệu chững lại.

Nhưng, tất cả không chỉ có vậy. Chuyến công du một loạt các nước châu Mỹ Latinh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này cũng đang được dự đoán là nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại giữa các nước này với Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đang khiến cho ảnh hưởng kinh tế-thương mại của Mỹ tại khu vực này có xu hướng giảm mạnh. Với việc Donald Trump trở thành tân tổng thống, nước Mỹ đang tự tay mở cánh cửa vào châu Mỹ Latinh cho chính Trung Quốc.

Với các nước châu Mỹ Latinh, việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ không phải là một tin tức tốt lành, nhất là về kinh tế. Những đe dọa về việc sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như về khu vực mậu dịch tự do với châu Mỹ Latinh của ông Trump đang là những nguy cơ lớn đối với nền kinh tế các quốc gia Trung và Nam Mỹ.

Cựu bộ trưởng ngoại giao Mexico, Jorge Castaneda, đã tuyên bố: “Việc Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ gần như một thảm họa cho khu vực. Tuy nhiên, các nước Mỹ Latinh cũng không hẳn là không có giải pháp thay thế: Trung Quốc. Giáo sư Kevin Gallagher thuộc đại học Boston cho biết: “Nếu Mỹ muốn lùi một bước khỏi châu Mỹ Latinh, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến thêm một bước. Đó là một cơ hội trời cho để Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng và tăng cường lợi ích kinh tế-thương mại tại khu vực đầy tiềm năng này”.

Những số liệu thống kê về tình hình trao đổi thương mại đang ủng hộ lập luận này. Một bản ghi nhớ chung đặt ra tầm nhìn về sự hợp tác giữa Trung Quốc và khu vực Tây bán cầu bao gồm các nước khu vực Mỹ Latinh và vùng Carribean đã được thiết lập từ năm 2008. Kể từ thời điểm đó đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 tại khu vực này.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Inter-American, tỷ trọng thương mại với Trung Quốc đã chiếm khoảng 13,7% tổng giao dịch thương mại của các nước Mỹ Latinh trong năm 2015. Tổng kim ngạch 2 chiều giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh trong năm 2015 lên tới 263 tỉ USD, trong đó, 4 quốc gia bao gồm Brazil, Chile, Colombia và Peru đã chiếm hơn một nửa.

Bản thân Trung Quốc cũng không giấu diếm ý định mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại với khu vực đầy tiềm năng này. Hiện Peru và Chile đã có các thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, Colombia và Uruguay đang cân nhắc thông qua thỏa thuận tương tự.

Trong chuyến đi tới Peru để dự hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ còn các chuyến thăm chính thức tới Ecuador và Chile mà mục đích không gì khác ngoài việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước còn lại tại khu vực Mỹ Latinh này.

Tiềm năng để quan hệ kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh trong tương lai là rất lớn, hiện tại dù đã là đối tác thương mại lớn thứ 2 tại khu vực nhưng Trung Quốc chủ yếu vẫn chỉ nhập khẩu nguyên liệu thô như ngũ cốc và kim loại từ các nước Mỹ Latinh mà thôi, tuy nhiên điều này sẽ thay đổi khi chính phủ Trung Quốc đã cam kết một khoản đầu tư trị giá 125 tỉ USD vào các nước Nam Mỹ trong vòng 1 thập kỷ tới để thúc đẩy tăng trưởng tại các nền kinh tế bản địa.

Dù hầu hết số tiền đó vẫn tập trung vào các dự án năng lượng và khai thác tài nguyên, nhưng một phần cũng sẽ được dành cho các dự án phát triển kinh tế khác. Giáo sư Kevin Gallagher của đại học Boston cho biết: “Trung Quốc đã cam kết sẽ đa dạng hóa các dự án đầu tư của họ và sẽ xây dựng nhiều khu công nghiệp tại Mỹ Latinh”.

Điều này không nghi ngờ gì sẽ dẫn đến việc gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị của Trung Quốc tại khu vực lâu nay vẫn được xem là sân sau của Mỹ này. Margaret Myers, một chuyên gia về Trung Quốc tại Inter-American Dialogue, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho rằng: “Một phần của kế hoạch này là nhằm đưa khu vực Mỹ Latinh vào chiến lược toàn cầu của Trung Quốc”.

Tổng thống Peru là Pedro Pablo Kuczynski sau khi nhậm chức đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình tới Trung Quốc, Trung Quốc cũng đang là chủ nợ lớn nhất của một loạt các nước Mỹ Latinh như Venezuela hay Argentina.

Cựu đại sứ Brazil tại Trung Quốc là ông Luiz Augusto Neves thì cho rằng đó là điều hoàn toàn dễ hiểu: “Khi châu Âu đang gia tăng xu hướng đóng cửa,Mỹ thì đang là một dấu hỏi, thì Trung Quốc hiển nhiên là một sự lựa chọn tốt hơn. Họ càng lúc càng giống những người chơi toàn cầu, trong khi các nền kinh tế khác thì ngày càng giống những nhà bảo hộ và kẻ gây hấn”.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến Kyiv lo ngại
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố các đề cử nội các như Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp, Tulsi Gabbard làm Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia đã thổi bùng lên mối lo ngại từ Kyiv về khả năng hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump đang mở cửa cho Trung Quốc vào châu Mỹ Latinh?