Khi TPP chững lại thì RCEP lại đang có dấu hiệu tăng tốc, khi ngoài nỗ lực thúc đẩy của Trung Quốc thì những nước thành viên chủ chốt của TPP như Nhật Bản, Australia hay Singapore đang để ngỏ khả năng sẽ tập trung vào hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu.

Những toan tính của Mỹ và Trung Quốc trong Hội nghị APEC 2016

Nhàn Đàm | 19/11/2016, 18:00

Khi TPP chững lại thì RCEP lại đang có dấu hiệu tăng tốc, khi ngoài nỗ lực thúc đẩy của Trung Quốc thì những nước thành viên chủ chốt của TPP như Nhật Bản, Australia hay Singapore đang để ngỏ khả năng sẽ tập trung vào hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu.

Tháng 11.2016 là khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến giữa các hiệp định thương mại có quy mô toàn cầu. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng sẽ đổ bể sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, thì Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lại đang được Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tiến triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào tuần này tại thủ đô Lima của Peru, chính phủ Trung Quốc đang không hề giấu diếm ý định sẽ là một bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy RCEP được hoàn tất càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi những thành viên chủ chốt của TPP như Nhật Bản, Australia hay Singapore đang để ngỏ khả năng sẽ tập trung vào hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu thay vì TPP.

Chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Lima, mọi thứ đang có vẻ như rất thuận lợi cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại quan trọng nhất châu Á này. Trước hội nghị khoảng 1 tháng, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến thăm Peru để chuẩn bị cho bản kế hoạch tham vọng sẽ được Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày vào tuần này để đẩy nhanh tiến độ đàm phán thực hiện RCEP hơn bao giờ hết, khi hiệp định này đã trải qua khoảng 15 vòng đàm phán kể từ năm 2012 đến nay.

Theo dự kiến, RCEP sẽ trở thành một hiệp định thương mại đối trọng với TPP khi về quy mô thương mại cũng như số lượng thành viên không hề kém cạnh. Theo đó, RCEP sẽ bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Về quy mô, RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Tình hình càng ủng hộ Trung Quốc hơn khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng dành cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump có xu hướng phản đối các hiệp định thương mại mà TPP là điển hình. Trong khi đó các nước thành viên chủ chốt của TPP thì bắt đầu có dấu hiệu chuyển trọng tâm sang RCEP thay vì thuyết phục vịtổng thống Mỹ mới đắc cử trong vô vọng.

Trước chuyến công du sang Mỹ gặp Donald Trump vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố trước Quốc hội Nhật Bản rằng: “Sẽ an toàn hơn cho chúng ta nếu chuyển trọng tâm sang RCEP nếu như TPP không có dấu hiệu được thực hiện trước”. Điều tương tự cũng diễn ra với Australia hay Singapore. Thống đốc Ngân hàng trung ương Australia là Philip Lowe tuyên bố: "Bất cứ sự đe dọa nào đối với thương mại tự do cũng sẽ là một mối nguy hiểm với nền kinh tế Australia, và hy vọng rằng sự khôn ngoan sẽ chiến thắng trong vấn đề này". Còn theo đánh giá của HSBC, Singapore sẽ là quốc gia thu được lợi ích lớn nhất nếu RCEP được hoàn tất và đi vào hoạt động.

Theo đánh giá, dù RCEP có những khác biệt nhất định với TPP, đặc biệt là về vấn đề thúc đẩy cải cách tại các nước thành viên, nhưng không vì thế mà sức hút của nó kém cạnh hơn so với TPP. Cách tiếp cận của RCEP theo hướng thúc đẩy gia tăng thương mại, chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế quan, trong khi đó TPP tập trung vào hạ thấp các hàng rào phi thuế quan, cải thiện tình trạng lao động và môi trường. Về lâu dài, các tiêu chuẩn cao của TPP sẽ thu được những kết quả tích cực về nhiều mặt không chỉ riêng kinh tế, trong khi đó các lợi ích ngắn hạn (chẳng hạn như thương mại) của RCEP lại rất rõ ràng.

Song Hong, một giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng điều này sẽ thu hút các nước phụ thuộc nhiều vào thương mại tự do như Nhật Bản, Singapore và Australia: “Một hiệp định thương mại do Trung Quốc dẫn đầu sẽ là một lựa chọn tốt cho những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Đối mặt với xu hướng bảo hộ gia tăng của Mỹ sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì RCEP sẽ là một sự lựa chọn và giải pháp mới thay thế”.

Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru lần này là thúc đẩy các vòng đàm phán RCEP sẽ được hoàn tất trong năm nay trước khi được các nước thành viên thông qua, và hy vọng rằng sự chững lại và nguy cơ đổ bể của TPP sẽ giúp giải quyết sự bất đồng về đàm phán trong các lĩnh vực như nông nghiệp và đầu tư nước ngoài một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo dự đoán điều này sẽ không dễ dàng nhất là khi rất nhiều nước vẫn đang hy vọng chính phủ mới của Mỹ sẽ thông qua TPP. Điều này đồng nghĩa với việc những nước vừa là thành viên của TPP vừa của RCEP như Nhật Bản, Australia, Singapore, Việt Nam… sẽ duy trì thái độ nước đôi, trong đó đặt ưu tiên nhiều hơn cho TPP trước khi quyết định việc đàm phán RCEP. Vì về nhiều mặt, lợi ích mà TPP đem lại là lớn hơn RCEP, không chỉ về trao đổi thương mại mà còn là các chuẩn mực về thể chế và hàng loạt các lĩnh vực khác.

Hầu hết các nước thành viên TPP đều đã tiến hành những cải cách cần thiết để đợi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ vài năm trước, và rõ ràng họ không có ý định dừng lại nhất là khi hy vọng TPP được thông qua vẫn chưa tắt hẳn.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những toan tính của Mỹ và Trung Quốc trong Hội nghị APEC 2016