Tuy tổng vốn đầu tư 5 tháng đầu năm nay giảm, song Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của dòng vốn FDI công nghệ cao từ xu hướng dịch chuyển sau đại dịch COVID-19. Liệu rằng Việt Nam đã sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới là vấn đề được dư luận cũng như giới chuyên gia quan tâm.

Đón sóng FDI: Không làm chủ công nghệ, Việt Nam sẽ chỉ là nơi né thuế

01/07/2020, 16:55

Tuy tổng vốn đầu tư 5 tháng đầu năm nay giảm, song Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của dòng vốn FDI công nghệ cao từ xu hướng dịch chuyển sau đại dịch COVID-19. Liệu rằng Việt Nam đã sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới là vấn đề được dư luận cũng như giới chuyên gia quan tâm.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến của dòng vốn FDI công nghệ cao thời gian tới - Ảnh: Internet

Nhìn một cách khách quan tại Tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" diễn ra chiều 30.6, giới chuyên gia và nhà đầu tư nhìn nhận, sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ không ồ ạt vì đây vẫn là thị trường rất lớn, nhưng chỉ dịch chuyển từ 3-5% thôi cũng đủ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận. Trên thực tế, Việt Nam đang có cơ hội thực sự để đón luồng vốn đầu tư lớn dịch chuyển, đây không phải sự gia tăng bình thường như trước đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết luồng vốn sẽ có phạm vi rộng, doanh nghiệp cần chọn lọc chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn và phát triển nguồn nhân lực tốt hơn. Điều đó sẽ nâng tầm Việt Nam lên, và một điều hết sức quan trọng là luồng vốn này vào không phải để tư duy khai phá mà là tư duy hợp tác.

"Có nghĩa là tư duy thu hút FDI phải thay đổi. Trước đây nhà đầu tư đến Việt Nam để kiểm lợi nhuận, khai phá nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, các tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng thấp... thì bây giờ đến Việt Nam không phải để khai phá nữa, mà để hợp tác trên tinh thần đầu tư FDI chất lượng cao, giá trị gia tăng cao hơn và phát triển nguồn nhân lực tốt hơn", ông Toàn giải thích.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse nhận đinh: Đây là cơ hội nghìn năm có một, buộc tất cả chúng ta phải chụm lại với nhau để cùng hiểu rõ chúng ta đang cạnh tranh với ai và chúng ta cần đến gì. Qua đó cần phân loại từng nhóm ngành nghề để xác định rõ điều kiện cần và đủ để chuẩn bị sớm, đặc biệt trong lúc dịch bệnh phải hoàn thiện những điều kiện đó để khi dịch bệnh kết thúc, các đối tác giao thương thì Việt Nam có thể đón nhận luôn.

Theo ông Phú, khi các doanh nghiệp FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ, nếu không Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế.

Nói rõ hơn vấn đề làm chủ công nghệ, GS Nguyễn Mại cho rằng điều quan trọng nhất là theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đó là cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như: Trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech... từ các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, đây là nhược điểm hiện nay Việt Nam chưa làm được.

Vì vậy, vấn đề hiện nay là xúc tiến đầu tư có định hướng, tránh xúc tiến đầu tư chung chung. Ví dụ TP.HCM và Hà Nội, sắp tới phải xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Giống như TP.HCM là xây dựng một khu đô thị gọi là thành phố trong thành phố. Đó chính là điểm có thể thu hút các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu.

"Mất rất nhiều thời gian nhưng phải đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng. Đây là cách làm hoàn toàn mới. Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ - người ta cần mình và mình cần người ta", GS Nguyễn Mại nhận định.

Giới chuyên gia nhận định rằng COVID-19 đã cho Việt Nam một bài học về huy động nguồn lực toàn dân. Vì thế đầu tư nước ngoài phải có chỉ đạo sát. Tổ công tác phải giao nhiệm vụ cụ thể, tạo ra sự đồng thuận để toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ vai trò của đầu tư nước ngoài.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đón sóng FDI: Không làm chủ công nghệ, Việt Nam sẽ chỉ là nơi né thuế