Bị “khủng bố” dù không vay tiền, công nhân cho biết tín dụng đen đang hoành hành và đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi.

Đối thoại với Thủ tướng: Công nhân phản ánh tình trạng bị tín dụng đen 'khủng bố'

Lam Thanh | 12/06/2022, 16:15

Bị “khủng bố” dù không vay tiền, công nhân cho biết tín dụng đen đang hoành hành và đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi.

Tín dụng đen “khủng bố”

Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân ngày 12.6, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn cơ sở công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (Bình Phước) cho biết, chị đã bị người cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân của công ty vướng vào tín dụng đen.

“Thực tế sau dịch COVID-19, rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố. Đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi”, chị Toan nói.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi thấy rằng có trách nhiệm khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã cùng Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại. Điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, cần làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân. Khi họ có nhu cầu vay tín dụng với những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này là thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền triển khai.

Còn với nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính là hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội, phần đó rõ ràng các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung.

thu-tuong-3.jpg
Công nhân đối thoại với Thủ tướng

Để làm được điều đó, theo ông Tú, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng có thể chỉ vài chục triệu phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con cái, con cái ốm đau, đóng tiền thuê nhà…

“Ngay tại đây, chúng tôi đã chỉ đạo 2 công ty tài chính cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đáp ứng tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân”, ông Tú nêu.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, các đối tượng cho vay tín dụng đen hoạt động rất tinh vi, lợi dụng và tạo vỏ bọc là các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính. Đồng thời thường xuyên dùng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua app, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường.

Có khi lãi suất lên tới 90-100%/tháng, có khi lên tới 700-1000%/tháng. Trong quá trình đó, những kẻ hoạt động tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…

Thứ trưởng Quang cũng cho biết, trong 3 năm qua Bộ Công an đã phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. 

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12 và Bộ Công an sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức cảnh giác cho công nhân và người dân.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này; rà soát ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá các tổ chức này, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”, ông Quang nói.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm…

Công nhân cũng cho biết, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều chủ công ty bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương và thưởng Tết; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời gian làm việc…

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, trong những năm qua, người sử dụng lao động và người lao động nước ta có gắn bó. Tuy nhiên, còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nguyên tắc, quy định của pháp luật.

Thời gian qua, các địa phương đã rất cố gắng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhiều, nhưng vẫn còn những tồn tại như: Tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng vi phạm.

Ví dụ gần đây, tại một địa phương ở Bắc Trung Bộ có mấy trăm doanh nghiệp nhưng có 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, giữa trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm rất khó phân biệt.

Theo ông Dung, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ nếu trốn đóng bảo hiểm thì xử lý theo luật hình sự. Nhưng giữa chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm chưa có quy định rạch ròi.

“Khi chúng tôi kiểm tra, thanh tra thì doanh nghiệp nói chỉ chậm đóng chứ không trốn đóng bảo hiểm. Bộ đã phối hợp với Hội đồng thẩm phán ra Nghị quyết số 05. Tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Với tinh thần đó, Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp thu và sẽ làm tốt nhất công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm”, ông Dung nói.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, đây là vấn đề đang nổi lên nên giao Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước, mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó rà soát lại các quy định của pháp luật, rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, BHXH cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm, ai không chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung, ai làm tốt phải khuyến khích, tổng kết, nhân rộng mô hình. Sai đến đâu xử lý đến đó, phải tổng kết những mô hình hay, cách làm tốt thì nhân rộng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối thoại với Thủ tướng: Công nhân phản ánh tình trạng bị tín dụng đen 'khủng bố'