Đã có thời, trên những chung cư cũ mèm với kiến trúc tổ ong cổ lỗ, một nhà thơ hay một nghệ sĩ “chiến đấu” trong đó chẳng khác gì chàng Đông-ki-sốt đánh nhau với rong hoang gió trời. Những câu chuyện vui buồn, dí dỏm cho thấy đã tồn tại một dòng văn hóa chung cư của một thời đã mất. Chỉ năm mươi mét vuông trong cái ô của mỗi cuộc đời mà nghe xa vắng thiên thu…

Đời chung cư mưa nắng kể chuyện

25/05/2017, 18:25

Đã có thời, trên những chung cư cũ mèm với kiến trúc tổ ong cổ lỗ, một nhà thơ hay một nghệ sĩ “chiến đấu” trong đó chẳng khác gì chàng Đông-ki-sốt đánh nhau với rong hoang gió trời. Những câu chuyện vui buồn, dí dỏm cho thấy đã tồn tại một dòng văn hóa chung cư của một thời đã mất. Chỉ năm mươi mét vuông trong cái ô của mỗi cuộc đời mà nghe xa vắng thiên thu…

Chung cư cũ như cuộc đời già ngậm nhiều thăng trầm, mưa nắng...
Nhà thơ Nguyễn Đỗ trong một bài thơ viết về chung cư cách đây hơn chục năm, từng cám cảnh: “Phận càng thấp ở càng cao”. Quả thực có thời như vậy, nhưng ngày nay, điều đó đã thay đổi.

Đã có thời, trên những chung cư cũ mèm với kiến trúc tổ ong cổ lỗ, một nhà thơ hay một nghệ sĩ “chiến đấu” trong đó chẳng khác gì chàng Đông-ki-sốt đánh nhau với rong hoang gió trời. Cười khóc hơn khi văn hóa một thời đoạn còn kể câu chuyện có giáo sư đại học với mức lương không đủ sống đã phải chen thêm “kế hoạch” là… quây chuồng nuôi heo trên tầng mười một chung cư. Khi bị lập biên bản ông đã không chịu ký vì cho rằng viết sai, không đúng sự thật. Vì biên bản đã ghi rằng “ông nuôi heo” mà đúng ra phải là “heo nuôi ông" (!).

Có còn chăng cái thời "phận càng thấp ở càng cao"?

Khi tôi hỏi một người bạn, nguyên là Tổng giám đốc của một công ty bất động sản, anh cho biết ngày nay nếu muốn có một căn hộ cao ở chung cư là hơi bị khó. Bởi lẽ, người mua phải trả thêm một khoản chi phí không nhỏ cho không gian thiên nhiên gió trời mà họ muốn hưởng. Đó cũng là quan điểm và cách nhìn từ nước ngoài. Không rõ chính thức được vận dụng vào VN từ khi nào nhưng hiện nay, những căn hộ ở cao bao giờ cũng được khách hàng thăm hỏi đầu tiên. Theo đó, những câu chuyện vui về dòng văn hóa chung cư hiện đại cũng đã khác đi.

Cái thay đổi trước hết là dòng sống hiện đại đã “nuốt chửng” hết thời gian riêng của mỗi người. Như ngay chính những chung cư cũ kỹ, bẩn chật, xuống cấp cũng không còn có cơ để tồn tại nữa. Thay đổi để hợp lý. Và lòng người cũng “co lại” trong văn hóa giao tiếp khi không còn chỗ cho nó. Sự già cỗi chểnh mảng của những chung cư cổ lỗ sĩ không còn được nhìn như chỗ thân mật, cá tính mà đôi khi là một thách thức, đe dọa chính sự an toàn của trục phát triển hiện đại.

Là một người sống lâu với chung cư, tôi nghiệm ra ở nơi đây còn lưu giữ những văn hóa giao tế cuối cùng của con người hiện đại. Văn hóa đó được nhìn dưới hai lớp kính: Chung cư cũ, xây đã lâu và chung cư mới hay các cao ốc hiện đại. Cách đây không lâu, kịch bản phim “Chung cư” của đạo diễn Việt Linh cũng lật trở nhiều hoài niệm về giao tầng của hai lớp văn hóa này.

Gần đây nhiều họa sĩ, nghệ sĩ trẻ đương đại khi làm các đề tài xếp đặt hay trình diễn đã chọn các đề tài giao thoa giữa cái mới - cũ, ngày hôm nay - hôm qua bằng hình tượng các chung cư. Tự khắc nó là một đề tài hay của nghệ thuật hậu - hiện đại.

Nnững chung cư cũ như nốt nhạc lạc điệu trong lòng giao hưởng biến tấu của đô thị

Không biết có phải là mốt không nhưng rất nhiều nghệ sĩ chọn môi trường chung cư để sinh sống. Bằng kiến thức và sở thích của mình nhiều nghệ sĩ đã tự “canh tân” lại, biến cái không gian bé xíu nhỏ “bằng lỗ mũi” thành một môi trường tiện nghi có thể “bay trên tổ chim cúc cu”. Nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan nổi tiếng khi biến một chung cư nhỏ khoảng 40 mét vuông của anh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thành một studio ấn tượng lôi kéo được nhiều bạn bè văn nghệ sĩ lui tới. Anh tận dụng những không gian bẩn và tối trước đây ít được chủ cũ chú ý như hành lang phụ, gầm cầu thang để đặt ánh nến, tranh, body art tạo những điểm nhìn bắt mắt ấn tượng.

Nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái trước đây cũng mua một căn trên tầng 8 chung cư Cao Thắng, sau đó đập và sửa chữa lại với những mô-đun hiện đại. Để có thể có không gian hơn, chị tiếp tục mua thêm căn kế bên, đập và sửa chữa thông nhau thành một “vương quốc” hoành tráng treo tranh, đề-co chuẩn và thường tập trung anh em bạn bè văn nghệ sĩ cuối tuần về tụ hội. Tôi đã gặp ở đây những người nổi tiếng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, nhà thơ Vũ Trọng Quang, nhà văn Nhật Chiêu…Bên cạnh căn hộ đặc biệt này là cõi đi về của nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Mỹ Hà. Sau nhà phê bình Thái chuyển ra Hà Nội đã để lại thượng tầng này cho nhà văn Mai Sơn tiếp tục tiếp quản.

Cũng ở chung cư Cao Thắng, người mê truyền hình còn biết thêm mấy nhân vật đầu trọc như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, diễn viên Hồ Kiểng. Ông Kiểng ngày mấy bận xuống ngồi ở quán nước trước sân chung cư cũ kỹ và tấp nập dòng người qua lại và như ông nói “hít thở cái nhịp sống Sài Gòn để có cơ hội lại đưa cảm xúc vào phim…”. Nay ông Kiểng cũ đã hóa người thiên cổ, chung cư xộc xệch, ẩm thấp vẫn còn.

Chung cư hẻm Thịt Chó trên đường Cống Quỳnh là một thời là chốn đi về của rất nhiều ca sĩ, diễn viên như nhà thiết kế thời trang Nguyễn Xuân Thảo, ca sĩ Mai Khôi, Hồ Quỳnh Hương, Tiến Đạt…


Chung cư hiện đại không có nhiều kỷ niệm với tâm hồn đô thị ...

Nhiều chung cư với người thiết kế, cha đẻ của nó theo thời gian trở thành huyền thoại. Đơn cử như chung cư Thông Tấn Xã ở số 218 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 vốn là đứa con “mang nặng đẻ đau” của kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ. Ông Thụ là người từng đoạt giải kiến trúc Khôi nguyên La Mã và là cha đẻ của nhiều công trình danh tiếng khác như dinh Độc Lập, Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt. Với công trình dân dụng này, ông dày công nghiên cứu mô hình cư xá dân dụng làm sao thông thoáng, rộng rãi, tiện lợi. Ngay trên tầng tám của nó có thể ngước nhìn thấy hết mọi giao điểm của các con đường lớn ở Sài Gòn như cửa sau dinh Độc Lập đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định, sân bay Tân Sơn Nhất…

Gần như các kỹ thuật viên, giám sát viên khi xây dựng công trình đã kiểm tra rất kỹ từng vách, vỉa, ngăn gió, thông hơi, thang máy, phơi đồ ngoài nắng, hay hiên hong khô ở trong và ngoài mỗi căn hộ sao cho thật tiện lợi. Đặc biệt là hành lang, cân đối một khoảng cách lý tưởng gần 3 mét để phân ô hai dãy hai bên. Vì thế, người ở hoàn toàn có thể chủ động để tránh được tiếng ồn của lũ trẻ chạy chơi buổi trưa hay ngăn được tiếng va đập lộn nhộn thường thấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở những chung cư đông đúc...

Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Trăm năm ở trọ trần gian/Mưa nắng ở trọ đôi chân Thúy Kiều”. Chỉ năm mươi mét vuông trong cái ô của mỗi cuộc đời mà nghe xa vắng “một cõi đi về” chung cư…

Sài Gòn, 24.5.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời chung cư mưa nắng kể chuyện