“Bà ta không ái quốc. Bà ta luôn ghét nước Mỹ”; rồi bản luận văn cử nhân của bà hơn 20 năm trước, cũng được đào bới lên và kết luận “nó được viết không phải bằng ngôn ngữ của loài người”…

Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 2: Tranh cử, cuộc chiến khốc liệt

FN | 14/08/2019, 11:07

“Bà ta không ái quốc. Bà ta luôn ghét nước Mỹ”; rồi bản luận văn cử nhân của bà hơn 20 năm trước, cũng được đào bới lên và kết luận “nó được viết không phải bằng ngôn ngữ của loài người”…

>> Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 1: Cuộc tình Michelle - Obama

Có thể nói, trong 8 năm trời, từ thời điểm Thượng nghị sĩ của bang Ilinois Barack Obama tuyên bố ra tranh cử tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ vào năm 2006 cho đến cuối năm 2016 bàn giao chức vụ tổng thống Mỹ, rời Nhà Trắng và cả trước nữa, hai vợ chồng, nhất là bà Michelle phải sống trong sự trì níu giữa một bên là phải tranh cử vào quốc hội Mỹ, và tranh cử vào Nhà Trắng của chồng, và bên kia là không, không cần, trong sự dằn vặt giữa một cuộc sống “không còn tính riêng tư” giữa lòng mong muốn “giữ Obama cho mình và con cái” với một Obama của nước Mỹ, của hàng trăm triệu cử tri da đen da trắng, cộng đồng nhà thờ dân thiểu số, của không ít người chưa có cuộc sống ổn định đạt hy vọng vào ông, giữa cuộc sống mà từ ăn mặc, đi đứng, quan hệ bạn bè và xã hội… đều bị đặt trong tầm kiểm soát của đông đảo đội quân mật vụ bảo vệ công khai và giấu mặt, giữa cái “chính trị” mà Michelle căm ghét với trách nhiệm của một đệ nhất phu nhân, trong các chiến dịch tranh cử cuộc sống được lên lịch sẵn, cá nhân công dân và quyền làm chủ của nó biến mất, thậm chí muốn nói chuyện với chồng mình bà phải gởi yêu cầu cho nhân viên an ninh.. thì làm sao “mình còn là chính mình”, được tự do tự tại như mọi công dân Mỹ bình thường?

Đúng là ở nước Mỹ nếu xuất hiện một vị tổng thống da đen đầu tiên thì sự kiện đó nói lên nhiều điều về đất nước và con người của Hợp chủng quốc này, ngoài ý nghĩa chính trị sâu sắc còn ghi những dấu ấn khác nữa hết sức kỳ lạ. Thượng nghị sĩ Obama không lạ gì những thủ đọan, hành vi mà anh cho là bị bơm những nhận thức lệch lạc vào các chiến dịch vận động như khí độc, nên không thấy phiền lòng. Vả chăng ông không phải là con người dễ lo sợ hay vì thế mà đi chệch hướng đã định trước.

Nhưng bà Michelle đang tập làm người của công chúng, tin rằng nếu mình chăm chỉ và chân thành thì sớm muộn cũng được mọi người công nhận, không bị những lộn xộn ngoài xã hội tác động. Bà tích cực tham gia cuộc vận động, phát biểu trước đông đảo cử tri ở Milwaukee và Madison sau chiến thắng quan trọng ở Iowa với niềm tin “hy vọng sẽ quay trở lại” cho nước Mỹ. Nhưng, đâu có ai ngờ, ai đó đã ghi hình bài nói chuyện của bà dài khoảng 40 phút thành một đoạn tước bỏ hoàn toàn nội dung bài nói của bà, chỉ để lại câu “lần đầu tiên từ khi trưởng thành tôi thật sự tự hào về nước Mỹ” chỉ có vậy và phát liên tục trên các kênh vô tuyến vỏn vẹn 10 giây. Rất dễ nhận ra thâm ý được nặn ra “Bà ta không ái quốc. Bà ta luôn ghét nước Mỹ. Đây mới chính là con người thật của bà ta. Trước giờ bà ta chỉ diễn mà thôi”. 16 từ ấy là cú đấm đầu tiên mà bà tự cho mình đã vô tình dâng cho chúng.

Bà chia sẻ với chồng, Obama chỉ trả lời rằng “Em đã trở thành một thế lực đáng gờm trong chiến dịch, người ta sẽ nhắm vào em nhiều hơn. Và họ lại tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, vâng, lại có kẻ trên mạng nhận xét “Michelle là một người cáu kỉnh, hay công kích, không duyên dáng như họ kỳ vọng”. Bà Michelle không biết từ đâu phát ra nhận xét này nhưng nó hàm chứa một thông điệp không-mấy-nhẹ-nhàng về chủng tộc với mục đích khơi dậy nỗi sợ sâu kín và xấu xa nhất trong cộng đồng cử tri “đừng để những người da đen chiếm quyền. Họ không giống chúng ta. Tầm nhìn của họ không phải tầm nhìn của chúng ta”. Cũng như có kẻ đã đào bới bản luận văn cử nhân của bà ở Princeton của Michelle hơn 20 năm trước, viết về một cuộc khảo sát của cựu sinh viên Mỹ gốc Phi đối với vấn đề chủng tộc và bản sắc của họ. Michelle không hiểu nổi vì sao giới truyền thông bảo thủ xem bản luận văn trên như một tuyên ngôn bí mật nào đó về quyền lực của người da đen, một mối đe dọa chưa được triệt tiêu. Như là nghĩ rằng bà chen chân vào học luật ở Harvard là ấp ủ một kế hoạch lật đổ người da trắng mà giờ đây thông qua chồng bà biến nó thành hiện thực.

Thậm chí trong một bài báo của tác giả Chistopher Hitchens nào đó công kích bà thời đi học đã bị ảnh hưởng quá mức bởi những nhà tư tưởng da đen cực đoan. Ông ta viết “bài luận văn đó không phải khó đọc mà không thể đọc được, theo nghĩa đen. Bởi vì nó được viết không phải bằng ngôn ngữ của loài người” (!?).

Barack Obama công bố tranh cử ghế tổng thống tại Springfield, Illinois, vào một ngày lạnh căm tháng 2-2007

Barack có bức hình chụp ông đội đầu và mặc bộ quần áo truyền thống của Somali thì bị đồn rằng anh theo Hồi giáo kín và anh không sinh ra ở Hawaii mà ở Kenia, do đó không đủ tư cách thành tổng thống Mỹ. Thậm chí đến tháng 6/2007, cuối cùng Obama cũng đạt được sự đề cử của đảng Dân chủ tranh chức Tổng thống Mỹ, người ta vẫn xuyên tạc họ là những tên khủng bố nguy hiểm, còn con cái của ông bà là ngoại hôn, chớ Michelle không phải là vợ của Obama.

Đó, làm chính trị bị những cú đấm liên tiếp rất đau như thế có lúc làm cho Michelle ngã lòng thối chí. Bà kiệt sức trước những công kích hèn hạ, cảm thấy như không còn niềm tin để vượt qua những kẻ dèm pha cũng như ý định hạ bệ mình. Nhưng bà biết hăng hái tham gia vận động hơn phu nhân của các tổng thống trước nên mới thành mục tiêu tấn công. Bản năng của bà, một luật sư, là đáp trả, lên tiếng vạch trần những dối trá, những quy chụp bất công và yêu cầu ông Obama lên tiếng. Nhưng đội ngũ tổ chức chiến dịch của Obama khuyên không nên phản ứng, vì một lẽ “chính trị là vậy!”...

Không lâu sau đó, bà cùng các cộng sự xem lại những đoạn video quay những lần bà xuất hiện trước cử tri, cả âm thanh, ngôn ngữ hình thể, đặc biệt là sự biểu cảm của nét mặt, Michelle nhận ra mình chưa thành thạo kỹ năng diễn thuyết trong chính trị. Bà học hỏi nhiều hơn. Trong 6 tháng tranh cử cuối cùng, bà tổ chức thực hiện các hoạt động tốt hơn và yêu cầu cung cấp các nguồn lực cần thiết để làm việc hiệu quả.

Thời gian cuối, đội ngũ biên chế của bà mở rộng hơn, như cô Kristen Jarvis, một người tử tế, biết ứng xử mọi việc trầm tĩnh từ văn phòng Thượng nghị sĩ Obama điều sang, hay nữ chuyên gia truyền thông thực tế rất rành rẽ các vấn đề chính trị có tên là Stephanie Cutter, cùng với cộng sự tại nhiệm giúp bà gọt giũa thông điệp và cả cách thuyết trình, thảo trước bài diễn văn quan trọng mà bà sẽ trình bày tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào mùa hè 2008.

Stephanie tư vấn cho bà phát huy ưu thế của bản thân, ghi nhớ những vấn đề mình thích đề cập nhất như tình yêu gia đình, mối quan hệ với các bà mẹ trẻ, lòng tự hào về gốc gác Chicago của mình và khiếu hài hước nữa. Tất cả những điều này tiếp thêm năng lượng và sự tự tin của bà trong các cuộc tiếp xúc rộng rãi với công chúng Mỹ. Bà cũng chú ý học hỏi từ những người Mỹ mà bà gặp trên khắp đất nước; tổ chức hội thảo chung quanh chuyện cân bằng giữa gia đình và công việc; gặp gỡ các cộng đồng quân nhân, nghe họ kể về cuộc sống của người lính như di chuyển doanh trại quá nhiều lần thì thu xếp nghề của mình, việc học hành của con em ra sao; nhất là hoàn cảnh người thân bị điều động đi xa lâu ngày ở Kabul, Mosul hay trên các chiến hạm trên biển Đông…

Và cuối tháng 8, bà cũng xuất hiện cùng anh ruột Craig trên sân khấu Trung tâm Pepsi ở thành phố Denver trước hơn 20.000 cử tọa và hàng triệu khán giả truyền hình để sẵn sàng nói cho thế giới biết Michelle Obama thực sự là ai. Bà nói về cha, ông Frazer Robinson, với tính khiêm nhường mà kiên cường đã định hình ở anh em nhà bà. Bà cũng phác họa để người Mỹ có cái nhìn chân thật và gần gũi nhất về Barack và trái tim cao quý của ông. Mừng cho bà là diễn văn được cử tọa đón chào nồng nhiệt. Bà xem đó là thời khắc khó quên của đời mình và cảm nhận mình trở nên nhỏ bé lạ kỳ...

(còn tiếp)

Nhà báo Nguyễn Kiến Phước

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 2: Tranh cử, cuộc chiến khốc liệt