Do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng nên một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương TP.HCM xin tạm ngừng kinh doanh xăng E5.

Doanh nghiệp xin tạm ngừng bán xăng sinh học E5

tuyetnhung | 17/10/2017, 15:18

Do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng nên một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương TP.HCM xin tạm ngừng kinh doanh xăng E5.

Thông tin doanh nghiệp xin ngừng bán xăng sinh học E5 được đại diện Sở Công Thương TP.HCM đưa ra Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17.10. Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết tính đến ngày 31.8, trên địa bàn thành phố có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5. Tỷ lệ này thấp hơn so với con số 282/532 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn có bán xăng E5 một năm trước đó.

Trong khi đó, tính đến tháng 8.2017, sản lượng tiêu thụ bình quân xăng sinh học E5 đạt 8.053m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn, tăng 78% so với thời điểm triển khai và giảm 3,3% so thời điểm tháng 10.2016.

Nguyên nhân khiến sản lượng mặt hàng xăng dầu này giảm là do người tiêu dùng không có thói quen chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92là 270 đồng/lít cũng không hấp dẫn người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử.

Các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95; sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt rất cao (thẩm thấu), ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trước tình trạng trên, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công Thương TP.HCM tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM đề xuất giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu hoa hồng, phí, môi trường... để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít.

Năm 2017, một trong những kế hoạch thực hiện sẽ được Sở Công Thương TP.HCM đề cập đến là quán triệt các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức phải gương mẫu sử dụng xăng sinh học E5 theo đúng chủ trương của Chính phủ và vận động mọi người hưởng ứng tham gia.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng tham gia với các bộ, ban ngành liên quan để xử lý các vấn đề tồn tại, thực hiện đúng lộ trình sử dụng xăng E5 từ 1.1.2018 mà Chính phủ đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, do thời hạn chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 sắp đến gần nên phải tăng cường đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới cộng đồng, thay đổi nhận thức người tiêu dùng để hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của nhiên liệu sinh học; làm tốt công tác thị trường, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa với phương châm “vừa mở rộng thị trường vừa tuyên truyền”.

Bên cạnh đó là việc phải nhanh chóng khởi động, đưa vào sản xuất trở lại nhiên liệu sinh học của 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước; tiếp tục nghiên cứu, phát huy sáng kiến kỹ thuật để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Với các vùng nhiên liệu, cây nhiên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học cần có rà soát cụ thể, có chiến lược ngắn, trung và dài hạn, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng kịp thời chất lượng cao, đảm bảo công ăn việc làm của nông dân, an sinh xã hội của vùng và giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bộ Công Thương cho biết xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil... Ngay tại khu vực Đông Nam Á, các nước Philippines, Thái Lan đã đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Indonesia hiện bắt buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp xin tạm ngừng bán xăng sinh học E5