Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Doanh nghiệp Việt dễ bị khách nước ngoài lừa, kẽ hở ở đâu?

Tuyết Nhung 18:42 30/11/2023

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các DN xuất khẩu luôn phải tính đến. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các DN Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

c7338a1f-be12-441b-8a50-ba6eb793c83c.jpeg
Điều là một trong những mặt hàng của Việt Nam hay bị khách hàng nước ngoài lừa đảo - Ảnh: IT

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - ngày 30.11 cho rằng, DN xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu, nhưng đa số là các DN quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều DN chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều DN chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít DN xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như: Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Ý, Na Uy...).

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada (Bộ Công Thương) cho hay: Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023 tới nay, Thương vụ ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của DN Canada về chứng chỉ không có thật.

Vụ việc gia tăng có 2 yếu tố, thứ nhất, những năm gần đây Canada có chính sách nhập cư ồ ạt, khoảng 500.000 người/năm và đều trong độ tuổi lao động. Năm 2023, số người nhập cư vào Canada tăng lên hơn 1 triệu người làm cơ cấu xã hội của Canada thay đổi. Tiếp đó, DN trong nước có xu hướng chủ quan trong tìm đối tác, đặc biệt khi thấy đối tác từ thị trường Canada có độ tin cậy cao nên sở hở trong tiếp cận và soạn thảo hợp đồng. Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi phức tạp do có thể tiếp cận dễ dàng và giả mạo thông tin của DN Canada uy tín, thậm chí giả mạo cả con dấu của cơ quan chức năng nước sở tại”, bà Trần Thu Quỳnh thông tin.

Trong khi đó, tại thị trường Tây Ban Nha, ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha) cũng phản ánh: Gần 3 năm qua, Thương vụ trực tiếp hỗ trợ DN Việt Nam giải quyết 7 vụ việc liên quan đến lừa đảo trong giao dịch quốc tế. Trong đó 5 vụ việc liên quan xuất khẩu hạt điều, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu hồ tiêu đen, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu sản phẩm gang đúc.

Trong bối cảnh cạnh gay gắt, DN có tâm lý nóng vội, muốn bán được hàng ngay dẫn đến đưa ra các điều khoản hợp đồng bị hớ, cam kết lỏng lẻo trong mua bán. Cùng đó, công tác xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng chưa được quan tâm đầy đủ, thậm chí không xác minh dẫn đến bị lừa đảo và mất tài sản. Cũng có trường hợp một số DN sở tại không chủ ý lừa đảo nhưng chây ì thanh toán.

Còn tại thị trường Ý, bà Dương Phương Thảo - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu, thực tế Thương vụ đã hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc cho DN Việt Nam.

Bà Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; DN Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác Italia thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác Ý không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác Italia không tuân thủ điều khoản.

Ở góc độ DN, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng phản ánh: Năm 2023, DN trong ngành gặp vụ việc lừa đảo lớn, 5 container hồ tiêu bị giữ lại Dubai, hiện 4 container đã được thu hồi với trị gái 400.000 USD, còn 1 container giá trị 120.000 USD vẫn chưa thu hồi được.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ DN nhanh chóng thu hồi lại số hàng này, hiện chi phí liên quan đến lô hàng đã lên tới 60.000 - 70.000 USD.

Bà Hoàng Thị Liên cũng cho biết, Dubai là điểm kết nối giao dịch của khu vực Trung đông, Trung á, kể cả châu Âu - châu Á là thị trường có tính chất rủi ro lớn, cùng đó là các yêu tố về xung đột chính trị khiến DN ở khu vực này thiếu ngoại tệ để thanh toán, dẫn đến phát sinh lừa đảo.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các DN Việt Nam khi giao dịch với các DN nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

Trước tình trạng lừa đảo tăng nhanh, bà Trần Thu Quỳnh cho hay, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã làm việc với ngân hàng và chính quyền sở tại ngăn chặn tình trạng làm giả con dấu tuy nhiên biện pháp chặt chẽ hơn từ tỉnh bang, liên bang về hành vi làm giả con dấu vẫn chưa hiệu quả.

“Do vậy, để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Thương vụ đề nghị DN khi nhận được những đề nghị kỳ lạ cần xác minh rõ ràng. Ngoài Thương vụ Việt Nam ở Canada, DN có thể liên hệ với Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và TP.HCM để được hỗ trợ, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.

Các thương vụ đều khuyến nghị DN soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, cần có điều khoản giám định hàng hoá trước khi giao hàng; yêu cầu đặt cọc ít nhất 15-20% tuỳ vào mức rủi ro của cảng đến và cảng trung chuyển; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để đảm bảo an toàn trong giao dịch.

Liên quan đến môi giới, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ý nhấn mạnh: "Thời gian qua, vụ việc gian lận liên quan nhiều đến môi giới, do vậy khi ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua và không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc bên môi giới cung cấp. Ngoài ra, DN trong nước nâng cao nghiệp vụ nhất là kiến thức về thương mại quốc tế. Trường hợp DN chưa đủ khả năng tìm nhân viên có kinh nghiệm nên thuê nhân viên theo thời vụ".

Bài liên quan
Phá đường dây mua bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo hơn 10 tỉ đồng
Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phá án, khởi tố nhóm tội phạm mua bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt dễ bị khách nước ngoài lừa, kẽ hở ở đâu?