Doanh nghiệp Việt đang chuẩn bị cho một bước tiến sâu rộng hơn vào thị trường chung sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.
Trước thành công bước đầu của doanh nghiệp trong nước qua 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, cuối năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức ký kết thêm một số FTA quan trọng. Trong đó, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những sự kiện đáng quan tâm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực.
Cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên với số dân lên đến hơn 600 triệu người. Đây là một thị trường rộng lớn đem lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt.
Trước cơ hội mở rộng ra ngoài so với lâu nay chỉ quanh quẩn ở thị trường nội địa thuần túy, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có những bước đi chiến lược đón đầu thị trường ASEAN từ vài năm trước. Có doanh nghiệp còn áp dụng những kinh nghiệm hội nhập từ các Hiệp định FTA trước đây.
Theo đại diện Tổng công ty MobiFone, tầm nhìn và chiến lược của Mobifone thể hiện qua thông điệp “Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng”. Để hội nhập, trong thời gian tới, MobiFone sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá và hướng tới trở thành một tổng công ty đa dịch vụ cung cấp không chỉ trong lĩnh vực truyền thông mà còn cả lĩnh vực về truyền hình, đa phương tiện, bán lẻ và phân phối.
Trong khi đó, ở ngành sữa, “ông lớn” Vinamilk không chỉ được tin dùng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 31 quốc gia trên thế giới, nhờ sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế và uy tín thương hiệu quốc gia.
Phát biểu tại buổi họp báo Vietnam CEO Forum 2015 về các bước đi chiến lược mà Vinamilk đã chuẩn bị cho hội nhập AEC, ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Marketing của Vinamilk cho biết: “Để chuẩn bị hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, Vinamilk luôn đi đầu trong cải tiến và phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng quốc tế hàng đầu. Nhà máy sữa của Vinamilk là nhà máy sữa hiện đại bậc nhất thế giới, và trang trại bò sữa Vinamilk là trang trại bò sữa đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế Global GAP.
Vinamilk cũng đang mở rộng sang các nước khác trong khối ASEAN. Điển hình là cuối năm nay nhà máy Angkormilk do Vinamilk nắm cổ phần chi phối sẽ đi vào hoạt động ở Campuchia”, ông Tiên nói.
Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trước sự thay đổi và thách thức lớn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi gia nhập AEC, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những thương hiệu mạnh của riêng mình để có lợi thế cạnh tranh trong và ngoài nước.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị những chiến lược kinh doanh tối ưu nhằm đối đầu với xu hướng kinh doanh mang tính toàn cầu hậu AEC. Đây là điều kiện tiên quyết bởi nhiều thương hiệu quốc tế, doanh nghiệp lớn trong vùng đã có sẵn và đang chiếm lĩnh thị phần nội địa trong tương lai.
Khi các hiệp định thương mại tự do chính thức được thực hiện sẽ nảy sinh nhiều tình huống chưa lường trước được. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến những hiệp định Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, từ đó tận dụng hiệu quả những lợi ích cũng như khắc phục triệt để các tác động tiêu cực.
Do đó, để khai thác thành công cơ hội mà AEC mang lại, các cơ quan nhà nước và bản thân doanh nghiệp cần chủ động và khẩn trương đổi mới mạnh mẽ chiến lược quốc gia, chiến lược, tư duy từng ngành hàng, chuyển hưởng lợi từ năng suất, sản lượng sang hưởng lợi từ nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.
Vietnam CEO Forum 2015 với chủ đề “CEO 3.0 - Khởi đầu sứ mệnh - Tư duy 90 hay 600?” diễn ra vào lúc 13 giờ ngày 24.9 tại White Palace (TP.HCM) sẽ là diễn đàn giúp doanh nghiệp trong nước nắm bắt các thông tin nóng hổi về tình hình thị trường ASEAN.
Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế của các quốc gia trong khu vực và hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập được nêu ra tại diễn đàn này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kiến thức, cập nhật những cơ hội và thách thức sắp tới. Tại diễn đàn, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hội nhập của những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Phan Diệu