Vấn đề doanh nghiệp ô tô Việt đứng ở đâu trên thị trường thế giới luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người, đặc biệt là trước bối cảnh hội nhập.

Doanh nghiệp ô tô Việt xuất được cái gì ra nước ngoài?

Một Thế Giới | 09/12/2015, 08:42

Vấn đề doanh nghiệp ô tô Việt đứng ở đâu trên thị trường thế giới luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người, đặc biệt là trước bối cảnh hội nhập.

Phát biểu về thực trạng thị trường ô tô Việt Nam tại hội thảo "Thực trạng và chính sách phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam" do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 8.12, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, khi so sánh thị trường Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé.
Bà Thúy cho hay, mặc dù trong những năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh nhưng so với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thì quy mô vẫn còn thấp. Doanh nghiệp chủ yếu toàn nhập khẩu, chưa thể tự sản xuất. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa phải là một thị trường hấp dẫn để doanh nghiệp nước ngoài phát triển.

Năm 2013 và 2014, nhập khẩu xe nguyên chiếc là rất lớn cả về kim ngạch và số lượng xe nhập khẩu. Đặc biệt, nhập khẩu xe dưới 9 chỗ tăng rất nhanh. Hầu hết doanh nghiệp nước ngoài sản xuất xe con, trong khi doanh nghiệp trong nước thì sản xuất xe tải và xe buýt.

Khi thuế nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn. Đặc biệt, nếu Việt Nam muốn sản xuất ô tô thì doanh nghiệp phải nhập một khối lượng lớn linh kiện, phụ tùng ở nước ngoài, bà Thúy nhận định.
Tuy nhiên, dù nhập khẩu rất nhiều nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu. Trên thực tế, có rất nhiều linh phụ kiện của Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước khác. Tại sao Việt Nam lại xuất khẩu được? Theo bà Thúy vì 1 cụm linh kiện thì bao gồm rất nhiều phụ kiện nhỏ khác nhau, có thể Việt Nam không sản xuất được cả cụm linh kiện lớn nhưng lại sản xuất được linh kiện nhỏ và xuất khẩu ra nước ngoài. Về linh kiện túi khí thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức rất lớn.
Giá ô tô của Việt Nam cao hơn các nước như Thái Lan, Indonesia do phải chịu rất nhiều loại thuế, trong khi việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa phát triển. Mục tiêu của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam thì rất khác nhau. Một số doanh nghiệp vào Việt Nam chỉ nhằm mục đích bán xe mà không có ý định duy trì sản xuất, một số khác thì muốn vừa bán, vừa sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, tỷ lệ thu mua trong nước còn rất thấp. Kim ngạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện đạt mức lớn nhất. Điều này đặt ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước sau 2018, bởi lúc này, thuế nhập khẩu của các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0% và đây chính là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.
Chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam nhìn chung là lớn hơn các nước trong khu vực khoảng 20-30%. Tuy nhiên, chi phí lao động của Việt Nam thì thấp hơn các nước trong khu vực do trình độ lao động của Việt Nam thấp hơn.
Trong khi đó, Chính phủ luôn xác định ngành công nghiệp ô tô là ngành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020 được đề ra bao gồm: duy trì được hoạt động sản xuất sau năm 2018, phát triển thị trường lành mạnh đi kèm với điều kiện kinh tế và năng lực nhân công trong nước, giảm giá bán và cắt giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào mạng lưới sản xuất trên thế giới.

Ngoài ra, nỗ lực của Chính phủ cũng được thể hiện thông qua ưu đãi về đầu tư của ngành ô tô và phụ tùng ô tô. Phụ tùng ô tô được đưa vào danh mục hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng công nghiệp ô tô vẫn chưa được đưa vào. Lý do là theo luật về thuế thu nhập doanh nghiệp là tất cả hàng hóa chịu thuế thu nhập đặc biệt thì không được hưởng ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp. Ô tô là một trong những đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt nên không được chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Vấn đề này hiện nay vẫn đang được xem xét.

Do vậy, bà Thúy cho rằng, trong thời gian tới, để ngành công nghiệp Việt Nam có thể phát triển thì chúng ta phải tháo gỡ các vấn đề: cắt giảm chi phí sản xuất trong nước và nên cắt giảm sớm thuế về 0% đối với các phụ tùng linh kiện để giúp các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. 

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, từ những bước đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp ô tô Việt xuất được cái gì ra nước ngoài?