Đầu tư cơ sở hạ tầng là điều hết sức cần thiết đối với Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, muốn đầu tư có hiệu quả, Nhà nước cần phải minh bạch trong thông tin, minh bạch chi tiêu… và phải sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn ODA.

Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về đầu tư cơ sở hạ tầng

Một Thế Giới | 07/12/2015, 06:34

Đầu tư cơ sở hạ tầng là điều hết sức cần thiết đối với Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, muốn đầu tư có hiệu quả, Nhà nước cần phải minh bạch trong thông tin, minh bạch chi tiêu… và phải sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn ODA.

Cẩn trọng hơn trong đầu tư

Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam ngày 5.12 diễn ra ở Hà Nội, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức về tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Eric Sidgwick cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, vấn đề đô thị hóa và biến đổi khí hậu làm nhu cầu về cơ sở hạ tầng trở nên phức tạp và tốn nhiều chi phí. Môi trường tài chính thay đổi, nguồn ODA giảm và thị trường vốn không đủ đáp ứng.

Bên cạnh đó, việc tập trung vào tài trợ bằng nguồn ngân sách trước đây đã tạo ra những thách thức đối với nợ công và hạn chế việc áp dụng hình thức hợp tác công – tư (PPP).

Phát biểu trên diễn đàn, đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cũng ghi nhận những tiến bộ về cơ sở hạ tầng đồng thời nêu lên những quan ngại trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng khi thực trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, thi công chậm chạp các công trình lớn…ngày một nghiêm trọng.

“Rõ ràng, nhu cầu xây dựng hạ tầng ở Việt Nam còn rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn và nợ công cao như hiện nay, chúng ta cần cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư”,  báo cáo của các tổ chức phi chính phủ nhận định.

Theo ông Eric Sidgwick, Việt Nam cần phải sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài chính ưu đãi bằng cách tăng cường hướng dẫn nhu cầu về vay vốn nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục vay vốn ODA và hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng vốn vay để đầu tư cho nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đánh giá về vai trò của PPP, phải lựa chọn dự án tiêu biểu và thông lệ tốt nhất, phát triển các dịch vụ chia sẻ rủi ro và giải quyết các vấn đề chuyển đổi tiền tệ, phát triển thị trường tiền tệ ngắn hạn, thị trường trái phiếu Chính phủ, nâng cao năng lực quản trị…

Cần minh bạch thông tin

Các tổ chức phi chính phủ cũng nhận định rằng việc vay vốn ODA cũng như vay vốn thương mại phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng một nền kinh tế như Việt Nam là không tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam cần có một quy trình minh bạch, rõ ràng để đánh giá tác động và hiệu quả của vốn vay.

Ngoài ra, cũng cần công khai và minh bạch các tiêu chí vay vốn, bao gồm cả các yếu tố bảo vệ môi trường, công nghệ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân phải di dời. Phải cân nhắc lựa chọn công nghệ, bảo vệ môi trường nếu không muốn chúng ta thành bãi rác thay vì có công nghệ tiên tiến.

Cần đưa vào Luật tiếp cận thông tin cũng như các nghị định liên quan về vốn vay cấp dịch vụ công, các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước vào luật như là đối tượng bắt buộc phải cung cấp thông tin.

‘Nguyên tắc công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ, cần phải áp dụng và không để một ai, đặc biệt là các nhóm yếu thế như dân tộc thiểu số, người khuyết tật…bị thiệt thòi”, đại diện các tổ chức phi chính phủ cho hay.

Như vậy, theo các tổ chức này, việc vay vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng là cần thiết để phục vụ sản xuất, thương mại và dân sinh nhưng rõ ràng Việt Nam cần có một cơ chế minh bạch thông tin, cơ chế tham gia và giám sát cho các tổ chức dân cử, tổ chức xã hội và người dân được tốt hơn.

Theo bà Victoria Kwakwa– Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, năng lực và trách nhiệm giải trình của chính phủ cũng là yếu tố cần phải chú trọng bởi vì nền kinh tế và xã hội của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới, vì vậy nhà nước phải  có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn mới quản lý được.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về đầu tư cơ sở hạ tầng