Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,478 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
Số doang nghiệp ngưng hoạt động, giải thể tăng mạnh
Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỉ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2,4 triệu tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3,86 triệu tỉ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2018 cho thấy: Có 44,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2018 tốt hơn quý trước; 16,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý 1/2019 so với quý 4/2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Tính đến thời điểm 20.12.2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,34% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,19%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,56% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,30% (cùng kỳ năm trước tăng 16,96%).
Thu 1,2 triệu tỉ, chi thường xuyên gần 900 nghìn tỉ
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.12.2018 ước tính đạt 1,272 triệu tỉ đồng, bằng 96,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 1,012 triệu tỉ đồng, bằng 92,1%; thu từ dầu thô 59,4 nghìn tỉ đồng, bằng 165,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 195,9 nghìn tỉ đồng, bằng 109,4%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.12.2018 ước tính đạt 1,272 triệu tỉ đồng, bằng 83,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 874,5 nghìn tỉ đồng, bằng 93%; chi đầu tư phát triển 260,2 nghìn tỉ đồng, bằng 65,1%; chi trả nợ lãi 102,2 nghìn tỉ đồng, bằng 90,8%.
Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỉ USD
Cán cân thương mại cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỉ USD. Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,8 tỉ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỉ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỉ USD.
CPI bình quân dưới mục tiêu Quốc hội
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2018 giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,88% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6.12.2018 và 21.12.2018 làm giá xăng, dầu giảm 10,77% (tác động CPI chung giảm 0,45%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89% do giá gas trong tháng giảm 9,64%.
Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 12 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 5,76% (dịch vụ y tế tăng 7,53%) do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2018/TT/BYT ngày 30.11.2018 (làm CPI chung tăng 0,29%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05% (lương thực tăng 0,17%; thực phẩm giảm 0,02%); nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng trước.
Tính chung quý 4/2018, CPI tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý 3/2017. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12.2018 tăng 2,98% so với tháng 12.2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%.
Lạm phát cơ bản tháng 12.2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.
Chỉ số giá vàng tháng 12.2018 tăng 0,41% so với tháng trước; giảm 0,41% so với cùng kỳ năm 2017; bình quân năm 2018 tăng 2,36% so với năm 2017. Chỉ số giá USD tháng 12.2018 giảm 0,07% so với tháng trước và tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2017; bình quân năm 2018 tăng 1,29% so với năm 2017.
Lam Thanh