Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nói rằng TP.HCM sẽ cố gắng làm tốt nhất công tác bình ổn giá dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thành phố sẽ đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu; cam kết không tăng giá hàng hóa.
Hàng hóa dồi dào, không lo thiếu
Theo Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang, trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424,8 tỉ đồng, tăng 612,7 tỉ đồng (3,44%) so với Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỉ đồng.
Đối với lượng hàng chuẩn bị phục vụ tết tăng 13,2 - 16,9% so với kế hoạch TP.HCM giao và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32 - 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Bà Trang cũng cho biết, hiện nay hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm 30 - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60 - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Trong đó, tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản chiếm khoảng 60 - 70% thị phần. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Giá thực phẩm sẽ không tăng theo tết
Về tình hình tiêu thụ hàng hóa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bia, nước giải khát trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 42,2 triệu lít bia và 48,5 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Hiện nay, theo thông tin từ các nhà máy bia, giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp tết.
Trong khi đó, các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt sẽ tiêu thụ dự kiến khoảng 18.500 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau.
Đối với mặt hàng hoa, dự kiến thị trường TP.HCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn gồm chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Về giá cả hàng hóa phục vụ tết, bà Trang nói rằng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết. Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng cho biết, TP.HCM sẽ cố gắng làm tốt nhất công tác bình ổn giá dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thành phố sẽ đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu; cam kết không tăng giá hàng hóa.
Cần nắm chắc diễn biến thị trường Tết 2019
Để chuẩn bị tốt cho dịp Tết Nguyên đán 2019, UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả dịp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố yêu cầu các sở ngành, quận huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán như vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã... và nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, thực phẩm, rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nguy hiểm, xăng dầu, gas, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống...
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các vi phạm, đảm bảo không trùng lắp cũng như không bỏ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn...
Phan Diệu