Các doanh nghiệp cho rằng cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại. Nếu chậm mở, Việt Nam có thể bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể sẽ không xảy ra lần 2.

Doanh nghiệp FDI kiến nghị cần có lộ trình rõ ràng việc mở cửa

Lam Thanh | 20/09/2021, 12:27

Các doanh nghiệp cho rằng cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại. Nếu chậm mở, Việt Nam có thể bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể sẽ không xảy ra lần 2.

Cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm AmCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ), EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN) vừa đồng ký tên gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Các hiệp hội này cho rằng tình hình đang trở nên gay gắt hơn. Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Văn bản nêu rõ, các hiệp hội doanh nghiệp cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp cũng lạc quan về tương lai, khả năng phụ hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cho biết họ ủng hộ định hướng chính sách “sống chung với vi rút” một cách an toàn; đồng thời muốn chung tay để tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai.

Các doanh nghiệp cho biết cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. Các cuộc khảo sát cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của các hiệp hội này đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. Một khi đã thay đổi sản xuất thì rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyển sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.

Các nhà đầu tư nước ngoài nêu thực tế và nhận định Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể sẽ không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

fdi.jpg
Các doanh nghiệp FDI kiến nghị về lộ trình mở cửa

Theo đó, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.

Vắc xin là chìa khóa

Các hiệp hội cũng cho rằng vắc xin là then chốt và ủng hộ mạnh mẽ “ngoại giao vắc xin” của Việt Nam; đồng thời hy vọng các nhóm ưu tiên vắc xin tập trung vào nhân viên y tế, tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, người giao hàng, người bán thực phẩm, công nhân các khu công nghiệp, cảng và hậu cần.

Các doanh nghiệp này cho rằng vắc xin là chìa khóa để nền kinh tế tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các hiệp hội cho hay “hệ thống thẻ xanh và vàng” có thể là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng đặt ra rất nhiều câu hỏi.

“Hầu hết, các doanh nghiệp đều đặt câu hỏi về một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi sẽ được điều phối như thế nào giữa các bộ ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vắc xin điện tử”, kiến nghị cho biết.

Ngoài ra, các hiệp hội cho rằng cần có cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “thẻ xanh” cho người nước ngoài. Nhiều người trong số họ đã tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài.

Cùng với đó, các hiệp hội này cho rằng hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian COVID-19, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Sự phối hợp giữa các tỉnh rất quan trọng

Bản kiến nghị cũng nêu, hệ thống y tế tư nhân phải là một đối tác đầy đủ trong cuộc chiến chống COVID-19, cả về quản lý vắc xin và cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm từ xa và tại nhà.

Ngoài ra, sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới”. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.

Đánh giá an ninh lương thực quan trọng, theo các hiệp hội, các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vắc xin và tái mở cửa, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu.

Việc giao hàng phải được cho phép ngay và nên sớm cho phép các cửa hàng bán thức ăn mang đi, và các cửa hàng bán thức ăn trong nhà cũng như ngoài trời tuân thủ giãn cách, phục vụ với số lượng bất kỳ dựa trên diện tích mét vuông và sức chứa.

"Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động", các hiệp hội kiến nghị.

Các hiệp hội này cũng cho rằng sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh rất quan trọng. Khi tiến tới trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tác động đến các hoạt động.

Cũng theo các hiệp hội, bây giờ là lúc tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. Theo đó, Việt Nam sẽ một lần nữa là điểm đến hàng đầu của du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, các hiệp hội này cũng cam kết đóng góp cho những người nghèo, người thiệt thòi ở Việt Nam.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp FDI kiến nghị cần có lộ trình rõ ràng việc mở cửa