Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại các địa phương vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu cứu lên Thủ tướng, cho rằng bị triệt tiêu kinh doanh

Hoài Lam | 02/02/2023, 12:25

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại các địa phương vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than “khó chồng khó”

Các doanh nghiệp (DN) cho hay, qua thời gian thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, có những khó khăn do nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài. Từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) cho hay, về chiết khấu, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ DN vẫn buộc phải bán hàng. Nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.

“Thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, (nhà cung cấp) tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các DN bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng các DN bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh”, ông Tây nói.

Ngoài ra, DN bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1 - 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu.

“Lý do là nhà phân phối biết rằng nếu DN bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. DN bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, ông Tây nêu.

Trong khi đó, đơn kiến nghị của các DN bán lẻ cho rằng Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, nhưng những sửa đổi, bổ sung của dự thảo nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của DN bán lẻ hiện nay.

xang.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than khó

Các DN cũng cho rằng một điểm bất hợp lý khác là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ.

“Họ được hưởng quyền lợi về giá (tính định mức lợi nhuận) và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách. Đối với DN bán lẻ như chúng tôi mặc dù ký làm đại lý cho họ nhưng không trực thuộc họ mà tự hạch toán doanh thu, lỗ lãi, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không có chiết khấu cho khách dẫn đến mất khách hàng”, đơn kiến nghị nêu rõ.

Các DN cho hay khi giá tăng, DN bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng. Họ để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù DN bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa.

Với lý do trên, các DN kiến nghị nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “phân biệt đối xử giữa các DN”.

Chỉ được mua hàng từ một nơi, DN bị triệt tiêu cạnh tranh và chiếu khấu

Về mua hàng từ nhiều thương nhân nhập khẩu, phân phối, các DN cho biết thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ nhưng được lấy hàng từ nhiều nơi, còn thương nhân bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nơi.

“Như vừa rồi Bộ Công Thương rút giấy phép một số DN đầu mối, phân phối xăng dầu, các DN bán lẻ lấy hàng từ hệ thống phân phối đó đã đứt nguồn cung vì không thể xoay xở kịp thời”, đơn kiến nghị nêu.

Ngoài ra, DN bán lẻ muốn lấy hàng nơi khác thì phải thanh lý hợp đồng, xử lý, bồi thường các bảng biểu và logo liên quan, phải đăng ký giấy đủ điều kiện kinh doanh với sở công thương… Nhưng vì quy định DN bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi nên nếu có chuyển qua nhà cung cấp khác một thời gian thì cũng bị chèn ép như vậy.

xang-2.jpg
DN bán lẻ xăng dầu kêu cứu Thủ tướng, cho rằng bị triệt tiêu kinh doanh

Đại diện một DN cũng chia sẻ: “Bất công nhất là thương nhân phân phối vừa được bán buôn và vừa được bán lẻ để cạnh tranh với DN bán lẻ và được hưởng quá nhiêu quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng nhiều nơi. Trong khi đó DN bán lẻ không có quyền lấy nhiều nguồn hàng và bị hạn chế nguồn hàng khi khan hiếm dẫn đến đứt hàng buộc phải ngưng bán hàng”.

Theo đó, các DN cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định cho DN bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi để quản lý chất lượng là không thuyết phục. Lý do thương nhân phân phối họ lấy hàng ở 3 nơi nhưng khi mua hàng về thì họ đổ chung vào một bể để dự trữ bán ra chứ họ không phân theo hệ thống bồn bể của từng công ty đầu mối nên hàng hóa luôn bị trộn lẫn nhau, dẫn đến cửa hàng bán lẻ của họ xăng dầu cũng bị trộn lẫn nhau.

“Vậy thì lý do gì cùng là cửa hàng bán lẻ như nhau mà cửa hàng của DN bán lẻ chỉ được lấy một nơi mà không cho lấy ở 3 nơi? Như vậy là bất công và bất hợp lý”, các DN nhấn mạnh và cho rằng DN bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, về quan hệ giao dịch và luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể, các chi phí phát sinh, DN còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng.

Hơn nữa, DN bán lẻ xăng dầu chỉ được mua hàng của một đầu mối, được thể hiện rõ trong giấy đủ điều kiện kinh doanh. "Việc này tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các quy định về chiết khấu không phù hợp với DN bán lẻ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của DN bán lẻ thấp, thậm chí là không có".

Theo đó, các DN kiến nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu.

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu cứu lên Thủ tướng, cho rằng bị triệt tiêu kinh doanh