Sau một thời gian dài giá thịt lợn trong nước vẫn chỉ giảm trên ti vi dù Chính phủ kêu gọi giảm giá hay ồ ạt nhập khẩu thịt lợn từ các nước, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn.

Do 'giá chỉ giảm trên ti vi', Bộ Công Thương lập Đoàn kiểm tra liên ngành thịt lợn

24/07/2020, 22:33

Sau một thời gian dài giá thịt lợn trong nước vẫn chỉ giảm trên ti vi dù Chính phủ kêu gọi giảm giá hay ồ ạt nhập khẩu thịt lợn từ các nước, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn.

Giá thịt lợn trong nước vẫn neo cao mấy ngày qua - Ảnh: T.N

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1899/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn trên thị trường.

Trong đó, đối tượng kiểm tra là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi (lợn thịt) và các sản phẩm thịt lợn.

Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra tại chỗ (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra) hoặc yêu cầu có văn bản báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra.

"Bộ Công Thương sẽ có Thông báo đề nghị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị báo cáo bằng văn bản, cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu", văn bản nhấn mạnh.

Trước đó tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá quý 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên, tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thịt thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, giá thịt lợn trong nước ngày 24.7 tiếp tục neo cao. Tại miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng dao động trong khoảng 89.000 - 92.000 đồng/kg. Đây cũng là vùng có mức giá giao dịch vượt trội so với cả nước. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động quanh ngưỡng 85.000 đồng/kg - 89.000 đồng/kg. Tại miền Nam, mức giá được giao dịch trong khoảng 85.000 đồng/kg - 92.000 đồng/kg.

Theo nhiều phân tích từ giới chuyên môn, giá thịt lợn cao như hiện nay chủ yếu là do bất cập từ các khâu trung gian. Cụ thể, giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Một là chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Chuỗi cung ứng thịt lợn bắt nguồn từ cơ sở chăn nuôi hoặc doanh nghiệp chăn nuôi. Sau đó qua đại lý cấp 1 mỗi công đoạn tăng thêm từ 8-10%, đại lý cấp 2, lò mổ, bán buôn, bán lẻ và cuối cùng mới tới tay người tiêu dùng.

Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương.

Đáng chú ý, mới đây, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã nêu tên một số doanh nghiệp như: Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa... chưa hoàn toàn đồng hành cùng với Chính phủ để giảm giá thịt lợn, đồng thời có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung, góp phần làm cho giá bị đẩy lên cao.

Tin và ảnh: Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do 'giá chỉ giảm trên ti vi', Bộ Công Thương lập Đoàn kiểm tra liên ngành thịt lợn