Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 lên rất cao.

Do COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 vượt xa con số thường thấy

Lam Thanh | 12/10/2021, 20:33

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 lên rất cao.

Trong quý 1, và cả 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương khiến cho tình hình lao động việc làm quý 3/2021 tồi tệ hơn.

Số người thất nghiệp tăng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động thời điểm quý 3/2021 là hơn 1,7 triệu, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

that-nghiep.jpg
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý 3/2021 là 8,89%, tăng 1,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 12,71%, cao hơn 5,56 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động đang ở mức thấp nhất

Cũng theo báo cáo, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu so với quý trước và giảm 2,2 triệu so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 3/2021 là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu so với quý trước và giảm 2,7 triệu so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 nghìn so với quý trước và tăng 479 nghìn so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 nghìn so với quý trước và giảm 960,1 nghìn so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2,3 triệu so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo cơ quan thống kê, giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý 3 đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong 2 ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây. Lý do chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Đại dịch cũng khiến số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3/2021 là hơn 1,8 triệu, tăng 700,3 nghìn so với quý trước và tăng 620 nghìn so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn so với quý trước và giảm 603 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động.

Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn, tương ứng giảm 13,5% so với quý trước.

Những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tới khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản. Đây là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động tương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý 3/2021 thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340 nghìn, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.

Bài liên quan
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sửa luật để tăng năng suất lao động, tạo việc làm chất lượng cao
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mục tiêu sửa Luật Việc làm để thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2021 vượt xa con số thường thấy