Sau khi nhường hết đất cho Cty CP Tập đoàn FLC xây dựng các đại dự án sân golf, resort, khách sạn nghỉ dưỡng…, hàng nghìn người dân ở các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn… thuộc thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) chỉ còn sinh kế cuối cùng là bám biển mưu sinh. Vậy mà cũng chẳng yên. 

Điều bức xúc của người dân Sầm Sơn

Một Thế Giới | 06/03/2016, 05:19

Sau khi nhường hết đất cho Cty CP Tập đoàn FLC xây dựng các đại dự án sân golf, resort, khách sạn nghỉ dưỡng…, hàng nghìn người dân ở các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn… thuộc thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) chỉ còn sinh kế cuối cùng là bám biển mưu sinh. Vậy mà cũng chẳng yên. 

Liên tiếp các hành động xua đuổi, ngăn chặn từ phía doanh nghiệp nhắm trực tiếp vào ngư dân nghèo khi họ đang kiếm sống trên chính bãi biển của mình. Đó cũng là lý do mà những ngày qua, hàng trăm ngư dân ở vùng biển này kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi công lý. 
Vô lý 
Từ xa xưa, những người dân ở các khu vực bãi ngang thuộc thị xã Sầm Sơn sống chủ yếu dựa vào ruộng lúa, đồng tôm và nghề đi biển. Người dân nơi này vẫn thường tự nhận, ngoài những thứ ấy ra họ chẳng biết làm gì. Khi những dự án xây dựng của FLC đổ về, họ âm thầm nhường đất cho doanh nghiệp. 
Ruộng lúa, đồng tôm bị san phẳng, tuyệt nhiên chẳng có lấy một lời kêu ca. Mất ruộng, mất đồng có nghĩa là nghề cho thu nhập chính cũng phải bỏ. Ngư dân Sầm Sơn cần mẫn với những nghề phụ như cào ngao, đánh cá, đắp đổi sống qua ngày… Khó khăn lắm, nhưng để “thay đổi bộ mặt Sầm Sơn” người dân chấp nhận. 
Và thực tế “bộ mặt Sầm Sơn” thay đổi thật. Các đại dự án ồ ạt xây dựng nhanh chóng mặt. Đồng ruộng xưa kia giờ đã là sân golf, resort hoành tráng, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự dằng dặc nối đuôi mọc lên như nấm… Duy chỉ có đời sống ngư dân thì vẫn vậy, thậm chí, với một số vùng còn khó khăn hơn. Xã Quảng Cư là một điển hình. 
Theo thống kê, từ năm 2014, gần như 100% ruộng lúa và đồng tôm của người dân trong xã bị san lấp, đời sống của hàng nghìn, hàng vạn con dân trong xã đành trông chờ vào những bữa cào ngao, những chuyến đi bè, đi mủng. Những chuyến mưu sinh mà không ít người nói rằng, chỉ cần một đợt sóng thôi thì cả mủng cả người bị đánh dạt vào bờ. 
Vậy mà những khó nhọc ấy cũng chẳng được yên. Khi tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có chủ trương giao toàn bộ 3,5km chiều dài bãi biển từ Vạn Chài, cổng FLC đến chân đền Độc Cước cho Tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp thì đời sống của nhiều ngư dân Quảng Cư dường như đi vào ngõ cụt. 
Mặt biển vốn là của chung, là “nồi cơm” của hàng vạn con người nơi đây bỗng nhiên bị cấm đoán, cản trở và xua đuổi. Không một ai có thể hiểu vì sao bảo vệ của FLC lại tự cho mình cái quyền “độc chiếm” bãi biển. Chỉ biết các hoạt động xua đuổi, ngăn chặn người dân xảy ra liên tục. Thậm chí, để ngăn cản người dân đánh cá, cào ngao trên vùng biển này, bảo vệ của FLC còn cắm phao dọc theo bãi biển khiến tàu bè ngư dân không thể vào bờ. 
Thật khó để nói hết những bức xúc của ngư dân nghèo trước những hành động vô lý của những người mà họ từng nhường đất để xây dựng dự án. Càng bức xúc hơn nữa khi biết rằng, vùng biển ấy, doanh nghiệp này chưa hề được giao. Người dân Quảng Cư nói rằng, họ đã nhiều lần kiến nghị, cầu cứu khắp nơi, từ xã, phường lên đến thị xã, trong các đợt tiếp xúc cử tri nhưng vô vọng. 
Cá biệt, có vài ba buổi làm việc giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhưng rồi mọi chuyện vẫn không được giải quyết. Cùng bất đắc dĩ, già trẻ, lớn bé ở vùng quê này phải kéo nhau lên cổng UBND tỉnh Thanh Hóa đòi công lý. Họ ăn chực, nằm chờ suốt mấy ngày qua. 
Về sự việc này, ngày 2/3 UBND tỉnh Thanh Hóa có báo cáo như sau: “Từ ngày 26/2 đến ngày 2/3/2016, nhiều công dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn khiến người dân địa phương lo mất kế sinh nhai, đặc biệt là nghề đánh bắt cá cũng gặp khó khăn vì theo quy hoạch lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân phải đi rất xa so với bãi đỗ truyền thống”.
Theo quan sát của phóng viên, hàng trăm người dân các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trường Sơn và Bắc Sơn đã tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa. Họ mang theo mỳ tôm, bánh mỳ, nước uống và cả chăn chiếu để chờ đợi gặp lãnh đạo tỉnh. Tuyến đường chính trước cổng UBND tỉnh phải lập hàng rào, hàng chục công an, cảnh sát được huy động để giữ trật tự. Người dân kiên trì chờ đợi. “Chúng tôi sẽ sống bằng gì nếu mất bãi biển”? Họ khẩn thiết mong lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trả lời câu hỏi ấy.  
“Chúng tôi kéo lên UBND tỉnh không phải để đòi bồi thường, hỗ trợ gì cả. Trước đây làm ruộng, làm tôm thì doanh nghiệp họ lấy hết đất rồi nên bây giờ chỉ còn mỗi nghề đi bể để kiếm sống. Không biết chủ trương của tỉnh thế nào mà để cho doanh nghiệp lấy luôn cả mặt biển thì dân biết sống thế nào? Từ trước đến giờ, nếu bắt buộc phải lấy thì dân cũng chấp thuận thôi, chỉ xin lãnh đạo tỉnh trừ lại cho nhân dân một ít. Dân bãi ngang ít học, trình độ kém, chỉ quen đi thùng đi mủng nuôi nhau, bây giờ bắt chúng tôi phải dời đi, phải chuyển đổi thì biết sống làm răng được”, ngư dân Ngô Hữu Côi (56 tuổi) tha thiết. 
Những phương án khó khả thi 
Tại cuộc họp báo chiều 2/3, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hai hôm nay, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng họp bàn liên tục, kể cả họp ban đêm để kiếm tìm một giải pháp nhằm ổn định tình hình. 
Cuối ngày 1/3, thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ký ngay quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng của dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”. 
Theo quyết định này, nếu người dân chấp thuận nhường đất cho dự án thì sẽ được hỗ trợ một khoản tiền từ 50 đến 250 triệu đồng. Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện cùng lúc cho từng nhóm đối tượng, bao gồm, nhóm chấp nhận giải bản tàu, thuyền dưới 20CV (bỏ nghề đánh bắt, chuyển sang một nghề mới), nhóm đối tượng tiếp tục theo nghề biển nhưng phải cải hoán hoặc đóng mới tàu có công suất trên 30CV để thuận lợi trong việc cập Cảng Lạch Hới hoặc một địa điểm nào khác. Cũng theo quyết định này, số hộ dân giải bản tàu, thuyền sẽ còn được “hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng với mức 30kg gạo tẻ/khẩu/tháng”. 

Trước nguyện vọng của nhân dân về việc giữ lại một phần bãi biển để lấy chỗ mưu sinh, ông Ngô Văn Tuấn - PCT UBND tỉnh Thanh Hóa nói rằng, phương án này sẽ được xem xét trong cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.


Ngoài ra, quyết định cũng giao Sở Xây dựng và UBND thị xã Sầm Sơn có phương án quy hoạch bãi neo đậu tàu thuyền thay thế vị trí lâu nay ngư dân Quảng Cư neo đậu để nhường cho FLC. Trong quyết định này, có hai điểm đáng chú ý, một là việc sử dụng tiền ngân sách để hỗ trợ cho số ngư dân này. Lẽ ra, việc này phải do FLC tiến hành thỏa thuận với ngư dân trong các phương án bồi thường, giải tỏa thì sẽ thích hợp hơn. 
Hai là, thực tế, điều cốt lõi nhất đối với 705 hộ dân và 4.000 nhân khẩu tại Quảng Cư là “kế sinh nhai” chứ không phải 50 hay 100 triệu đồng tiền hỗ trợ một lần. Để rồi, nhà 4 - 5 miệng ăn, không có việc làm ổn định thì đến núi còn lở huống hồ chi mấy chục triệu hỗ trợ nói trên.... 
Hoàng Anh - Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều bức xúc của người dân Sầm Sơn