Diễn xướng Nam Bộ sẽ được diễn ra vào tối 8.4 tại TP.HCM. Đây là chương trình trong chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng thuộc Soul Live Project được Amberstone Media kết hợp với Cultural Community Discourse (CCD) thực hiện.
Chuỗi chương trình Diễn xướng Nam Bộ nhằm giới thiệu các hình thức diễn xướng dân gian đã và đang tồn tại ở Đồng Nai – Gia Định xưa và miền đất TP.HCM – Nam bộ ngày nay.
“Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn với sự phát triển kinh tế và xã hội khác nhau sẽ tạo nên những trào lưu văn hoá khác nhau do cộng đồng sống trong thời cuộc đó lựa chọn. Không phải chúng ta tôn sùng văn hoá xưa nhưng chúng ta cần giới thiệu những nét văn hoá mà ông bà ta đã từng yêu thích và giải thích một cách dễ hiểu nhất nét đặc trưng của những trào lưu văn hoá này, để từ đó các bạn trẻ biết được văn hoá Việt có gì,như thế nào, nét chấm phá ra sao.
Chúng ta chỉ là bày thêm nhiều món ăn văn hoá có hương vị khác nhau và để quyền lựa chọn lại cho các bạn đương thời”, diễn giả - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.
Hành trình Diễn xướng Nam Bộ được chia ra nhiều kỳ, mỗi kỳ khán giả sẽ được nghe một hình thức đờn ca hát xướng của đậm chất Nam bộ. Thông qua hình thức diễn xướng, người nghe sẽ được tiếp cận 400 năm lịch sử Nam bộ qua những câu hò, điệu hát, lời ca.
Bên cạnh đó phần bình phim tài liệu Gia Định - Sài Gòn: Điệu hát, câu hò ngày ấycủa diễn giả, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sẽ mở ra nhiều điều thú vị về tổng quan bối cảnh văn hóa Nam bộ và sự hình thành, biến đổi và phát triển ở đất Nam bộ. Các loại hình diễn xướng cơ bản: trữ tình dân gian (dân ca, hò, hát lý..), tự sự dân gian (nói vè, nói thơ, nói tuồng…), tổng hợp (sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú), múa lốt (múa hẩu, múa lân, múa sư tử…).
Đặc biệt, khán giả có thể tham dự một số trò chơi nhận biết giai điệu và nhận những tặng phẩm đậm chất miền Nam.
Diễn xướng Nam Bộ sẽ được diễn ra vào tối 8.4 tại TP.HCM. Đây là chương trình trong chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng thuộc Soul Live Project được Amberstone Media kết hợp với Cultural Community Discourse (CCD) thực hiện.
CCD là một dự ánnhằm kết nối các nhà nghiên cứu với công chúng để trình bày các công trình khảo cứu, bóc tách từng lớp văn hóa của một cộng đồng. Cụ thể hơn, chương trình muốn tìm hiểu các yếu tố tạo nên nhân dạng của cộng đồng, các chất liệu kiến tạo nên ký ức của cộng đồng, và những gì có thể xảy ra khi các cộng đồng giao thoa và tương tác với nhau.
Ra đời từ năm 2017, cho đến nay CCD đã tổ chức thành công 10 sự kiện, kết nối các vị khách mời là những nhà nghiên cứu đa ngành trong và ngoài nước về lịch sử, văn hoá, và nghệ thuật của Việt Nam và Đông Nam Á với cộng đồng những người quan tâm tìm hiểu về văn hoá. Các sự kiện có thể kể đến như: Sự phát triển song sinh của Sài Gòn – Chợ Lớn, Táo quân - Nhất gia chi chủ, Xây chầu Hát bội, Tấu khúc Tỳ bà, Cung xưa nếp cũ, Đàn bà nước Nam,...
Người đồng hành cùng CCD qua các kỳ như "Táo quân - Nhất gia chi chủ", "Dung dăng dung dẻ", "Cây cội nước nguồn", "Một, chạp, giêng, hai", lần này -nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trở lại CCD với vai trò là người chèo chiếc xuồng lịch sử 400 năm Nam bộ. Trên chuyến xuồng ngược dòng ấy, ông sẽ kể chuyện, sẽ hò vài câu, hát vài điệu cho quý khán giả hiểu hơn về đờn ca hát xướng xứ này.
Sinh năm 1952 tại Quảng Ngãi, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tác giả và đồng tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu, đầu sách, chiếm phần quan trọng trong số này là các sách về văn hóa, mỹ thuật và tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ. Cách viết của ông ít khi nào dừng lại ở một thực thể hay vấn đề riêng lẻ, mà là xâu chuỗi và mở rộng biên độ một cách tối đa, liên ngành, nhằm tìm kiếm sự so sánh để nhận ra nét tương đồng và dị biệt. Ông cũng là đồng tác giả của cuốn Diễn xướng dân gian Gia Định-Sài Gòn, một cuốn sách khảo cứu về nghệ thuật diễn xướng dân gian cổ truyền.