Tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng chiều 28.4 đã diễn ra hội thảo ‘Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà’. Tại đây đại diện cơ quan chức năng đã nêu ra con số đang lưu ý là từ năm 2008, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên của Sơn Trà đã giảm đến 40%.

Diện tích khu bảo tồn Sơn Trà giảm 40% chỉ trong 10 năm

Lê Đình Dũng | 28/04/2017, 19:56

Tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng chiều 28.4 đã diễn ra hội thảo ‘Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà’. Tại đây đại diện cơ quan chức năng đã nêu ra con số đang lưu ý là từ năm 2008, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên của Sơn Trà đã giảm đến 40%.

Hội thảo do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm nghiên cứu - giảng dạy môi trường - tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

“Sự bùng nổ của du lịch đang đặt áp lực và đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà”, thông cáo tại hội thảo cho hay.

Từng là 1 trong 10 khu rừng cấm của VN từ năm 1977 và đến năm 1992 được đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (với tổng diện tích 4.439 ha), đến nay diện tích rừng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo này đã giảm đi gần một nửa.

TS.Vũ Ngọc Long (Viện Sinh thái học miền Nam) khẳng định bán đảo Sơn Trà là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, là một hệ tự nhiên tiêu biểu trên toàn cầu có vị trí quan trọng.

TS.Long kiến nghị chỉ chấp nhận cho tiến hành các công trình xây dựng ven bờ, quây vùng du lịch sau khi đã có những đánh giá cẩn thận, công khai và thậm chí là thực hiện báo cáo tác động đánh giá môi trường (ĐTM) độc lập.

Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt việc đánh giá tác động môi trường của các dự án đã và đang cấp phép trên bán đảo Sơn Trà

Còn ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, cần xây dựng quy chế nghiêm ngặt để giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên tại Sơn Trà, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu.

“Xây dựng và đưa voọc chà vá chân nâu thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc, kiwi, kanguru của các nước khác để thu hút du khách đến Đà Nẵng. Quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng kiến nghị hợp nhất bán đảo Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Vấn đề nổi cộm của Sơn Trà là từ thời điểm năm 2008, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định cắt giảm quy mô, khiến diện tích khu bảo tồn thiên nhiên giảm 40%. “Liệu tính đúng đắn của pháp luật; thẩm quyền quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất; vấn đề giao đất, giao cho ai, bao nhiêu… có đúng hay không?. Những việc này cần phải nghiên cứu thấu đáo để đề xuất điều chỉnh”, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp nói.

Ông Linh cũng cho biết, vừa qua ngành chức năng Trung ương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra lại toàn bộ rừng đặc dụng trong đó có rừng Sơn Trà. “Hy vọng hội thảo sẽ có những đề xuất để thông tin cho đoàn kiểm tra. Bởi sau khi kiểm tra xong, đoàn sẽ có báo cáo Thủ tướng để kiến nghị những bất cập liên quan đến rừng đặc dụng, kể cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong rừng đặc dụng cũng được báo cáo”.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Võ Văn Minh (Đại học Đà Nẵng) nhận định cho rằng cần rà soát tổng thể hiện trạng hệ sinh thái trên cạn, dưới nước; rà soát các quy hoạch đơn ngành (quy hoạch rừng đặc dụng, phát triển du lịch…); rà soát các văn bản pháp lý liên quan, các báo cáo ĐTM liên quan đến các dự án ở Sơn Trà.

Theo ông Minh, trước mắt cần giữ nguyên hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên; tạm dừng các hoạt động phát triển chưa đủ căn cứ pháp lý. “Hướng đến mở rộng phạm vi không gian để đề xuất công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới và có bộ máy quản lý cụ thể. Tất cả các quyết định liên quan đến Sơn Trà cần thực hiện tham vấn rộng rãi các bên liên quan đúng quy định pháp luật”, ông Minh kiến nghị.

Nhận định về hội thảo này, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh ‘rất hoan nghênh và đánh giá cao’ ý tưởng tổ chức cũng như chủ đề của hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả khai thác các giá trị kinh tế, đồng thờibảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, phát triển bền vững Sơn Trà.

Theo ông Xuân Anh, hiện nay TP.Đà Nẵng đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hài hòa, bền vững gắn với bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên.

Do đó, Bí thư Đà Nẵng đề nghị ban tổ chức hội thảo tổng hợp những ý tưởng hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiếtthực và khả thi, gửi lãnh đạo TP.Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu, cùng với các nhà khoa học và nhân dân TP có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diện tích khu bảo tồn Sơn Trà giảm 40% chỉ trong 10 năm