Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại khu, cụm công nghiệp để chống quá tải lưới tại chỗ, đồng thời đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm.
Thị trường và chính sách

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Các khu công nghiệp đang chờ nghị định

Lam Thanh 18:46 26/07/2024

Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại khu, cụm công nghiệp để chống quá tải lưới tại chỗ, đồng thời đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Ngày 26.7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết trong dự thảo cuối cùng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất, tiêu thụ do dùng một pháp nhân hoặc cá nhân tổ chức thực hiện để phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của tổ chức cá nhân đó.

Dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

kcn.jpg
Điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối lên lưới điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất lắp đặt, trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực đã dược phê duyệt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại khu, cụm công nghiệp trước hết để chống quá tải lưới tại chỗ, đồng thời có thể đầu tư hệ thống lưu trữ điện năng để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm. Đây là tiềm năng vô cùng lớn, có thể thực hiện được ngay.

Ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết nhiều khu, cụm công nghiệp đang chờ nghị định được ban hành để lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung nêu quan điểm, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu căn cứ trên khả năng điều độ hệ thống điện quốc gia, bảo đảm an toàn lưới điện. Nghị định cần tiếp cận theo cơ chế bù-trừ điện năng để vừa phát triển nguồn điện, tận dụng nguồn lực trong dân.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định mức công suất nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát lên lưới điện quốc gia phải đầu tư thiết bị lưu trữ điện năng kèm theo ưu đãi về thuế, giá mua điện dư phát lên lưới; có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn hệ thống điện quốc gia, an toàn công trình.

Về trình tự, thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho rằng cần đơn giản hóa giấy tờ liên quan đến hoạt động xây dựng như đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân thì theo quy định về sửa chữa, cải tạo công trình; còn công sở, khu, cụm công nghiệp thì chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lên lưới điện quốc gia cần căn cứ vào yêu cầu của đất nước, thực tiễn phát triển nguồn điện, đặc thù của từng vùng, miền.

dmt-1.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Theo đó, cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc, 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.

“Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu, cụm công nghiệp, ngoài quy định doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt như trong dự thảo, cần cho phép thuê đơn vị khác lắp đặt để sử dụng”, Phó thủ tướng nêu.

Phó thủ tướng cũng cho rằng phải có quy định các biện pháp kiểm soát bảo đảm an toàn hệ thống khi huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát công suất dư lên lưới; giao cho điện lực địa phương giám sát, thực hiện theo từng khu vực, địa bàn.

Về phương pháp xác định giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù-trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

Phó thủ tướng yêu cầu phải có chính sách khuyến khích rõ ràng để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, kèm theo thiết bị lưu trữ điện năng chuyển thành nguồn điện nền phát lên lưới vào giờ cao điểm, theo hướng "nhà nước, nhân dân cùng làm". Vì vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN-MT rà soát ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

"Trường hợp người đầu tư lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng trở thành điện nền huy động vào giờ cao điểm cũng phải có ưu đãi về hỗ trợ thuế, tín dụng, được phát lên 100% công suất lắp đặt. Nếu vướng quy hoạch thì Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh khi bảo đảm công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành", Phó thủ tướng lưu ý.

Bài liên quan
Solar Orbiter chụp được ảnh có độ phân giải cao về bề mặt Mặt trời
Ngày 20.11, hình ảnh mới về bề mặt Mặt trời với độ phân giải cao nhất từ trước đến nay do sứ mệnh Solar Orbiter chụp lại đã được công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Các khu công nghiệp đang chờ nghị định