Đài CNN ghi nhận tiền tuyến trong cuộc chiến Ukraine phải đối mặt với sự xâm chiếm của loài gặm nhấm lây lan bệnh khiến binh sĩ nôn mửa và xuất huyết mắt.
Quốc tế

‘Dịch chuột’ hoành hành ngoài tiền tuyến trong cuộc chiến Ukraine

Cẩm Bình 22/01/2024 19:50

Đài CNN ghi nhận tiền tuyến trong cuộc chiến Ukraine phải đối mặt với sự xâm chiếm của loài gặm nhấm lây lan bệnh khiến binh sĩ nôn mửa và xuất huyết mắt.

Một nữ quân nhân Ukraine biệt danh Kira nhớ lại binh đoàn của mình bị “dịch chuột” vây hãm khi chiến đấu trên địa bàn vùng Zaporizhzhia vào mùa thu năm ngoái.

“Hãy tưởng tượng lúc bạn đang ngủ thì có chuột bò vào quần áo, cắn tay bạn. Bạn chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng tùy mức độ may mắn”, Kira kể với CNN. Cô ước tính trong hầm trú ẩn cho 4 người lính có đến 1.000 con chuột - tình cảnh mà nữ quân nhân mô tả là binh sĩ Ukraine đang “đến làm khách ở nhà chuột”.

“Dịch chuột” xảy ra do giao mùa và chu kỳ giao phối của loài gặm nhấm. Giữa mùa đông khắc nghiệt, chúng tìm kiếm thức ăn dọc tiền tuyến dài gần 1.000km, lây lan bệnh tật và vô cùng hung hãn do phải tranh giành thức ăn lẫn nơi tránh rét.

Kira thử mọi cách đuổi chuột, từ rắc thuốc độc, phun ammoniac cho đến cầu nguyện. Tất cả đều thất bại, nhưng cô không bỏ cuộc.

“Chúng tôi nuôi một chú mèo tên Busia, lúc đầu nó giúp sức ăn thịt chuột. Nhưng do chuột quá nhiều nên Busia không chịu bắt nữa. Một con mèo có thể bắt được 1 - 2 con chuột, nhưng đến tận 70 con thì không thể”, Kira cho biết.

Binh sĩ Ukraine và binh sĩ Nga đăng tải rất nhiều đoạn phim về “dịch chuột” lên mạng xã hội. Chuột bò lổm ngổm dưới gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, túi áo khoác lẫn vỏ gối. Thậm chí một đoạn phim còn ghi lại cảnh chuột lao ra khỏi súng cối như đạn.

dich.jpg
Chuột bị bẫy trong một chiến hào ở Bakhmut - Ảnh: CNN

Tháng 12 năm ngoái, tình báo Ukraine báo cáo nhiều đơn vị Nga đóng quân quanh thành phố Kupiansk bị mắc bệnh do hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải phân chuột trong thức ăn. Phía Kyiv xác định triệu chứng của bệnh là sốt, phát ban, tụt huyết áp, xuất huyết mắt, nôn mửa, đau lưng dữ dội, tiểu tiện khó khăn. CNN chưa thể xác minh thông tin và cũng không rõ phía binh sĩ Ukraine có mắc bệnh không.

Báo cáo làm liên tưởng đến điều kiện tác chiến tồi tệ ở Thế chiến thứ nhất, khi chất thải cùng xác chết chất đống tạo điều kiện cho chuột sinh sôi nhanh chóng. Chúng hoạt động về đêm khiến binh sĩ không thể yên giấc. Nhà thơ người Anh từng tham chiến Robert Graves nhớ lại cảnh tượng lũ chuột tràn lên, ăn xác chết và tăng số lượng một cách chóng mặt. Một tân binh mới đến từng chứng kiến cảnh hai con chuột tranh giành một bàn tay đứt lìa.

dich0.jpg
"Chiến lợi phẩm" sau một đêm diệt chuột của 3 binh sĩ Đức ở Thế chiến thứ nhất - Ảnh: CNN

Ở Thế chiến thứ nhất, số lượng chuột tăng lên khi xung đột rơi vào thế bế tắc. Lịch sử đã lặp lại trong cuộc chiến Ukraine.

Nhà nghiên cứu Ihor Zahorodniuk (Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ukraine) nhận định nguyên nhân khiến “dịch chuột” bùng phát không chỉ nằm ở thời tiết và chu kỳ giao phối, mà còn do ảnh hưởng của chiến tranh.

“Ở nhiều nơi, vụ đông gieo trồng vào mùa thu năm 2021 không được thu hoạch trong năm sau. Chuột sinh sản tại đó sống sót qua một mùa đông ấm áp và tiếp tục tàn phá vụ mùa mới”, theo ông Zahorodniuk. Chiến tranh cũng làm giảm thiên địch nên chuột sinh sản thoải mái hơn.

Ngoài quấy rối và gieo rắc bệnh tật, chuột còn phá hoại trang thiết bị. Kira cho biết chuột gặm mọi thứ từ radio, bộ lặp tín hiệu, dây điện đến bình xăng, bánh xe. Cô nói rằng: “Chỉ riêng lũ chuột trong hầm trú ẩn của đơn vị tôi cũng đã gây ra thiệt hại lên đến 1 triệu hryvnia (khoảng 26.500 USD)”.

Còn theo ông Zahorodniuk, thiệt hại do chuột gây ra có thể rất nghiêm trọng vì mất liên lạc khiến nhiều người thiệt mạng. Nhà nghiên cứu này cảnh báo mùa đông lạnh giá sẽ khiến chuột chạy vào chiến hào nhiều hơn.

Ở Thế chiến thứ nhất, những người lính giết chuột như trò tiêu khiển. Ông Zahorodniuk khuyên rằng binh sĩ Ukraine không nên làm vậy mà nên tiến hành diệt chuột một cách có tổ chức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Dịch chuột’ hoành hành ngoài tiền tuyến trong cuộc chiến Ukraine