Khó khăn lớn nhất của các nhóm khởi nghiệp không phải là điều gì khác mà là vốn, khi đa số họ đều trẻ và không có tài sản nào có thể thế chấp cho ngân hàng.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Thị trường nào cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp ở Việt Nam” và phát động chung kết cuộc thi Swiss Innovation Challenge 2017, các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM đã chia sẻ về những khó khăn mà họ phải đối mặt khi bắt đầu khởi nghiệp.
Một trong những chia sẻ đáng chú ý là của đại diện nhóm Khóm Tắc Cậu, 1 trong 25 nhóm lọt vào chung kết Swiss Innovation Challenge 2017 với thông tin đi vay khởi nghiệp bị ngân hàng hỏi có chứng nhận Đoàn viên ưu tú hay không!
"Khó khăn của nhóm khi hoạt động là về vốn. Chúng tôi định khắc phục bằng cách vay vốn ngân hàng. Nhưng như mọi người biết là khi khởi nghiệp chúng tôi đã phải bỏ công việc có lương thường xuyên đi và còn rất trẻ nên cũng không có tài sản thế chấp cho ngân hàng", đại diện nhóm Khóm Tắc Cậu chia sẻ.
"Khi liên hệ với các ngân hàng có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp như Liên Việt Post Bank thì họ lại yêu cầu Đoàn cơ sở chứng nhận là Đoàn viên ưu tú mấy năm liền... Ngân hàng MP Bank thì rất tấm tắc với đề án của nhóm nhưng lại hỏi là thế chấp gì để vay", đại diện nhómcho biết.
"Không tìm được vốn từ ngân hàng nên nhóm tìm sự trợ giúp của người thân... nhưng tìm tới họ hoài thì bị kỳ thị. Nên nhóm thấy khởi nghiệp khó khăn nhất vẫn là tìm được vốn", người đại diệnnói thêm.
Về vấn đề này, ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trả lời: "Đây là vấn đề cốt lõi và các sở ban ngành luôn luôn bị hỏi khi các bạn khởi nghiệp tìm đến. Ngân sách của chúng ta là có hạn nhưng nhu cầu của giới khởi nghiệp thì vô hạn".
"Tuy nhiên, có một tin vuilà các bạn có thể liên lạc với các vườn ươm để họ có thể hỗ trợ. Bạn cũng có thể vay vốn ở Thành Đoàn, thành phố đã cấp cho họ 100 tỉ đồng để cho vay tín chấp mục đích khởi nghiệp. Vay tín chấp chứ không phải thế chấp, đối với cá nhân thì họ cho vay tối đa 300 triệu đồng còn doanh nghiệp thì được tối đa 500 triệu đồng. Nếu dự án của bạn đột phá và có cơ hội đưa ra thị trường thì sẽ được hỗ trợ thôi", ông Long nói thêm.
Ngoài quỹ cho vay của Thành Đoàn, TP.HCM cũng đang triển khai thêm Chương trình hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (SpeedUp 2017) nhằm cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.
Tính từ tháng 1.2017 đến nay, chương trình này đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Và có tới 14/112 dự án được tuyển chọn đầu tư vốn. Đây là một tỉ lệ tuyển chọn dự án khácao (12,5%) khi so với sánh với các quỹ đầu tư khởi nghiệp của tư nhân lớn hiện nay như VIISA đạt 5% và VSVA đạt 8%.
Thiên Hà