Theo các chuyên gia Anh, điều tra thói quen đi ngủ và sức khỏe của hơn 400.000 phụ nữ cho thấy những người thuộc loại “chim sớm” ít bị ung thư vú hơn 48% so với những phụ nữ “cú đêm”.
Theo The Daily Mail, sau khi điều tra hơn 400.000 phụ nữ, các nhà khoa học tại Đại học Bristol, Anh, đã phát hiện thấy những phụ nữ thuộc loại “chim sớm” ít bị ung thư vú hơn 48% so với những phụ nữ “cú đêm”.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định thấy rằng những phụ nữ ngủ lâu hơn mức khuyến cáo là 7 - 9 giờ, có nguy cơ ung thư vú tăng thêm 20% mỗi giờ ngủ thêm. Trình bày những phát hiện của họ tại hội nghị của Viện ung thư quốc gia ở Glasgow, Anh, các nhà khoa học giải thích rằng sở dĩ như vậy là nhờ những người thuộc dạng “chim sớm” có giấc ngủ ngon hơn, còn “cú đêm” có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ liên quan đến nguy cơ mắc ung thư. Nói chung, đi ngủ muộn ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp sinh học của cơ thể phụ nữ. Trên thực tế, vì lý do tương tự, các nghiên cứu trước đó cho thấy công nhân làm ca đêm và những người tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo nhiều hơn vào ban đêm có nguy cơ ung thư cao hơn.
Các nhà khoa học cũng phân tích các gien của phụ nữ. Có lẽ hoạt tính của các gien đó tùy thuộc vào thời gian trong ngày. Thừa nhận rằng việc thay đổi thói quen thức khuya rất khó, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi giờ giấc ngủ không thể giúp giảm ngay lập tức nguy cơ ung thư vú.
Vũ Trung Hương