Sau hơn 10 năm thí điểm tự chủ ĐH, cả nước mới chỉ có 14 trường tự chủ tài chính. Các trường thực hiện nhiệm vụ này đang rơi vào thực trạng rất khó khăn vì không có nguồn thu thêm.

ĐH không muốn tự chủ, vì sao?

Người Lao Động | 01/10/2016, 06:36

Sau hơn 10 năm thí điểm tự chủ ĐH, cả nước mới chỉ có 14 trường tự chủ tài chính. Các trường thực hiện nhiệm vụ này đang rơi vào thực trạng rất khó khăn vì không có nguồn thu thêm.

Tại Hội thảo Tự chủ ĐH - Cơ hội và thách thức, do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 30-9, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhận xét việc phần lớn các trường sẽ không đưa ra phương án tuyển sinh mới thay vì cách tuyển sinh cũ vào năm 2017 tới đây cho thấy nhiều trường chưa thực sự muốn tự chủ.

Thu không đủ bù chi

Một trong những khó khăn lớn nhất mà các trường ĐH phải đối mặt với tự chủ đó chính là cơ chế tài chính thiếu đồng bộ. Nhiều trường rất khó khăn để lo chi phí thường xuyên và lương - thưởng cho giảng viên. GS-TS Hoàng Văn Châu, nguyên Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - một trong những trường đầu tiên thí điểm tự chủ tài chính - cho hay sau 4 năm thực hiện tự chủ tài chính, ngoài việc phải tự lo kinh phí chi thường xuyên, trường không được hưởng thêm bất cứ quyền hạn, cơ chế gì so với các trường không được giao tự chủ. Để duy trì hoạt động giảng dạy, trường phải “thắt lưng buộc bụng”.

Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP.HCM, một trong những đơn vị được trao quyền tự chủ mạnh về các mặt hoạt động, việc được tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quản trị ĐH đã giúp đơn vị này phát huy sức mạnh toàn hệ thống. Tuy nhiên, quá trình triển khai tự chủ vẫn gặp những tồn tại như việc thiếu cơ chế linh hoạt cho các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội, chưa có cơ chế thông thoáng nhằm khai thác cơ sở vật chất sẵn có với các hình thức hợp tác khai thác với các nhà đầu tư để tăng kinh phí phục vụ nghiên cứu…

Trong khi đó, lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng các trường tự chủ hiện nay cần được trao quyền tự chủ về mức thu, đặc biệt là mức thu học phí, lệ phí theo nguyên tắc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên… Sinh viên cần được hưởng chính sách tín dụng, cho vay hỗ trợ để mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục ĐH công.

PGS-TS Trần Quốc Toản, Hội đồng Lý luận trung ương, cho rằng cần khắc phục 2 cách hiểu sai lệch về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nói chung và của giáo dục ĐH nói riêng, đó là quá nhấn mạnh một chiều đến “quyền” tự quyết định của các cơ sở giáo dục ĐH mà không tính đến các điều kiện, trình độ, yêu cầu - trách nhiệm thực tế và khách quan bị chế định và tương tác với các chủ thể khác trong xã hội, nhất là nhà nước.

Mặt khác, lại có khuynh hướng vẫn muốn “quản chặt” từ phía các cơ quan quản lý nhà nước với nhiều lý do khác nhau. Cũng có những cơ sở giáo dục “ngại” phải thực hiện cơ chế tự chủ vì không dám chịu trách nhiệm và vẫn muốn được bao cấp cũng như bảo trợ theo cơ chế cũ. Thậm chí, còn có tư duy muốn được bao cấp kinh phí đầu vào nhiều hơn nhưng được “tự chủ và quyền hạn” chi đầu ra cùng với quyền tự quyết định các hoạt động cao hơn.

Nhà nước không bỏ rơi

Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trấn an các trường: “Hãy bỏ nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ không phải là nhà nước không đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư”. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm, áp dụng đối với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM nhưng không đạt được tiến độ mong muốn với các trường tiếp theo bởi hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tự chủ tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp kinh phí nữa thì không có tiền chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng cho biết ở những quốc gia như Đức, Pháp có tự chủ ĐH nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí. Còn với 14 trường ĐH trong nước được trao quyền tự chủ hiện nay đều vẫn đang được hưởng các khoản đầu tư lớn của nhà nước như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều có được những dự án vốn vay của nhà nước lên tới hàng chục triệu USD. “Những “rào cản” trong vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường ĐH từ chính sách hiện đã được tháo gỡ. Cụ thể là về tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới về sự nghiệp công” - Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang soạn dự thảo nghị định theo hướng về cơ bản, các trường ĐH tự chủ toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, trong đó điều kiện kiên quyết là thành lập hội đồng trường và hoạt động đúng với vai trò của tổ chức này.

Bắt buộc tự chủ ĐH

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết dự thảo nghị định quy định tự chủ các lĩnh vực từ đào tạo, mở ngành, hợp tác quốc tế, nhân sự, nghiên cứu khoa học, mức thu học phí bảo đảm chất lượng đào tạo đã cam kết… Nghị định này bổ sung rất nhiều quyền tự chủ cho các trường. Trong thời gian tới, việc tự chủ trong các trường ĐH không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc theo đúng thuộc tính của giáo dục ĐH.

Yến Anh/Người Lao Động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐH không muốn tự chủ, vì sao?