Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh kể từ đầu năm 2016, khi mô hình tăng trưởng cũ dựa trên nhân công giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên thô đã sắp tới hạn.
Chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng cũng là điều nằm trong Tuyên bố của Quốc hội khóa 13 vừa qua, khi 6 mục tiêu tăng trưởng kinh tế chủ đạo đều tập trung mạnh vào việc cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp tổng thể để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, hướng tới nền kinh tế thị trường thay vì níu kéo nền kinh tế vẫn còn bóng dáng của kế hoạch hóa như trước. Và để làm được điều này, điều cần làm nhất với Việt Nam ở thời điểm hiện tại là đoạn tuyệt với tình trạng khai thác tài nguyên thô để chống lưng cho tăng trưởng kinh tế.
Dễ dàng nhận ra rằng, 6 mục tiêu phát triển kinh tế chủ đạo vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua, đang tạo nên sự lệch pha với một số các đề xuất kinh tế vĩ mô được đưa ra trước đó. Cụ thể là, đề xuất tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô khoảng hơn 2 triệu tấn trong năm nay để cứu mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra là 6,7-6,9%. Lý do chủ yếu của đề xuất này là việc GDP trong quý I thấp hơn dự kiến khi chỉ đạt 5,46%, và khiến cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7-6,9% đề ra trong năm nay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Về cơ bản, việc ngay lập tức đề xuất tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu để cứu tăng trưởng ngay sau khi GDP quý đầu năm thấp hơn dự kiến, là một dấu hiệu rõ rệt của tình trạng dựa dẫm quá nhiều vào việc xuất khẩu tài nguyên thô vốn là một trong những đặc điểm của mô hình kinh tế kém hiệu quả trước đây. Và điều này đang đi ngược lại với tinh thần mà 6 mục tiêu phát triển kinh tế chủ đạo mà Quốc hội vừa mới đưa ra, trong đó hướng đến việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động như những động lực căn bản để phát triển kinh tế, chứ không phải là dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô như trước.
Trên thực tế, các dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng ngày một sụt giảm của việc xuất khẩu tài nguyên thô trong nền kinh tế quốc gia đã liên tiếp xuất hiện trong thời gian gần đây. Việc giá dầu sụt giảm mạnh trong năm 2015 khiến cho tổng thu ngân sách từ xuất khẩu dầu tính đến hết năm 2015 chỉ đạt khoảng 5% tổng thu ngân sách, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó, và thậm chí còn thấp hơn mức 6% thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân.
Và theo dự báo tỷ trọng đóng góp vào ngân sách quốc gia của hoạt động xuất khẩu dầu sẽ ngày càng nhỏ dần, khi mà giá dầu trên thị trường thế giới ngày càng giảm trong khi các nguồn thu ngân sách từ nội địa thì ngày càng tăng do quy mô nền kinh tế trong nước đang trở nên lớn hơn trước khá nhiều.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan về số liệu xuất nhập khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2016, thì giá trị xuất khẩu dầu lửa của Việt Nam còn đang thấp hơn cả những mặt hàng tương đối khiêm tốn về giá trị khác như xuất khẩu rau củ hay xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu dầu của Việt Nam đạt 498,2 triệu USD, thấp hơn so với 541 triệu USD đến từ xuất khẩu rau quả hay 534 triệu USD đến từ xuất khẩu thủy sản. Điều này đang cho thấy, xu hướng các mặt hàng xuất khẩu khác qua mặt dầu thô về tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Chưa nói đến các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn như điện thoại, máy tính hay dệt may, mà xuất khẩu dầu thô giờ đây còn thua kém cả những ngành có giá trị xuất khẩu trước đến nay tương đối khiêm tốn như xuất khẩu rau quả.
Sự qua mặt này đang cho thấy hai xu hướng rõ rệt và trái ngược nhau, đó là xu hướng ngày càng sụt giảm về giá trị của xuất khẩu dầu nói riêng (và xuất khẩu tài nguyên thô nói chung) trong khi xu hướng gia tăng giá trị xuất khẩu của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế đang ngày càng mạnh hơn. Điều này có nghĩa là, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô có giá trị kinh tế ngày càng kém cỏi, để tập trung cho các lĩnh vực sản xuất khác có tiềm năng và giá trị lớn hơn.
Khi mà một ngành vốn có giá trị gia tăng thấp như rau quả cũng có thể vượt mặt dầu mỏ, thì đã đến lúc ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô đã hết thời, nhất là khi ngành sản xuất rau quả của Việt Nam hiện nay còn chưa được phát huy hết tiềm năng do chưa được ứng dụng khoa học công nghệ một cách bài bản.
Các diễn biến trên thị trường dầu thế giới cũng đang cho thấy thực tế này. Cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ đã làm đảo lộn toàn bộ ngành công nghiệp khai thác dầu trên thế giới, và khiến cho ngay cả các cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Nga và Ả Rập Saudi gặp khốn đốn, và buộc cả hai quốc gia này phải tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào dầu lửa như trước.
Rõ ràng với nguồn cung quá mức dư thừa như hiện nay, thì một điều chắc chắn là giá dầu sẽ gần như không thể quay trở về thời kỳ hoàng kim được nữa, để mà có thể khiến Việt Nam hy vọng vào sự hồi sinh của ngành công nghiệp khai thác dầu. Việc Việt Nam cần làm ngay ở thời điểm hiện tại là có những động thái chuyển hướng ngay trước khi quá muộn, phải giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực sản xuất khác có giá trị gia tăng lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng thêm 2 triệu tấn dầu khai thác để cứu tăng trưởng kinh tế, rõ ràng là một đề xuất mang ý nghĩa thất bại. Nó vẫn tiếp tục xu hướng bám víu vào xuất khẩu tài nguyên thô mỗi khi nền kinh tế lâm nạn, thay vì coi đó như một cơ hội để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với dầu thô.
Xa hơn nữa, nó tiếp tục khiến tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thô và làm chậm lại các nỗ lực cải cách nền kinh tế. Không khó để dự đoán được rằng, khi nền kinh tế thế giới trì trệ và việc xử lý các hậu quả do thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cho tăng trưởng GDP trong quý II vẫn tiếp tục sụt giảm, thì sẽ lại có thêm đề xuất mới tăng thêm sản lượng khai thác dầu để cứu tăng trưởng một lần nữa.
Đó là chưa kể, câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có thực sự cần cứu tăng trưởng hay không. Đã từ lâu các chuyên gia kinh tế đều chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng không có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của một nền kinh tế. Trong 6 mục tiêu phát triển kinh tế chủ đạo vừa được Quốc hội đưa ra, thì không có mục tiêu nào là giữ và cứu tăng trưởng cả, hầu hết các mục tiêu đều hướng đến việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế thông qua ứng dụng khoa học và tăng năng suất thì đều không có liên quan đến tăng trưởng GDP.
Về một khía cạnh khác, chính việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cứng hàng năm mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những đề xuất ngược đời như múc thêm dầu để cứu tăng trưởng, trong khi điều đó không giúp ích gì cho việc tái cơ cấu nền kinh tế hay đổi mới mô hình tăng trưởng cả.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)