Nhờ tài xế xe ôm dẫn đường đến ngôi chùa “Bánh xèo”, trên đường đi chúng tôi không khỏi thắc mắc và thử tìm hiểu xem tại sao người dân lại gọi ngôi chùa có tên độc đáo như vậy?

Đến chùa ‘Bánh xèo’ ở An Giang

28/02/2019, 12:00

Nhờ tài xế xe ôm dẫn đường đến ngôi chùa “Bánh xèo”, trên đường đi chúng tôi không khỏi thắc mắc và thử tìm hiểu xem tại sao người dân lại gọi ngôi chùa có tên độc đáo như vậy?

Thiền viện Đông Lai còn có tên gọi chùa “Bánh xèo”, tọa lạc tại H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang - Ảnh: Dương Tô Văn

Khám phá

Đúng đầu giờ chiều, tôi có mặt tại chân núi Cậu - ngôi chùa nổi bật nhiều sắc màu với tên gọi Thiền viện Đông Lai (ấp Xuân Phú, TT.Tịnh Biên, xã H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ngôi chùa xây dựng theo kiến trúc phái Thiền viện Trúc Lâm, khá xa lạ với kiểu chùa truyền thống ở miền Nam. Đứng trước ngôi chùa, tôi như lạc vào một thế giới khác. Trước khuôn viên chùa là một tượng phật đang nằm với kích thước khổng lồ, phía sau là đồi núi nhấp nhô tạo cho ta cảm giác như một bức tranh thủy mặc…

Vào đến chính điện, những tượng phật to lớn được phết vàng trông thật lung linh, huyền ảo. Kế bên cửa chính diện là những tủ kinh treo dòng chữ “Miễn phí” (dành cho phật tử thập phương). Và người xe ôm dẫn đường dẫn tôi vòng ra cửa phụ và cho biết đây là nơi phóng viên cần tìm.

Tượng phật đang nằm với kích thước khổng lồ trước khuôn viên chùa - Ảnh: Dương Tô Văn

Trong dãy nhà sau là một bếp ăn rộng lớn được sắp xếp ngay ngắn hơn 20 bộ bàn inox, 1 tủ lớn đựng rau các loại bên cạnh những chiếc dĩa nhựa được xếp chồng. Thấy tôi lơ ngơ đứng nhìn, 1 giọng con gái trong trẻo loáng thoáng bên tai: “Anh ăn bánh xèo xuống bếp lấy nhé, nước mắm, rau, dĩa, nước uống có sẳn, anh tự phục vụ luôn nhé”.

Người dẫn đường liền nắm tay tôi kéo xuống gian bếp, nói nhỏ: “Đây là khu vực bếp đổ bánh. Giờ này chưa đổ đâu, vì khách hôm nay ít. Nên ông chờ khoảng 5 phút có nhiều khách đến để đổ một lượt, ông ở đây chú ý mà quan sát”.

Những “nghệ nhân” đổ bánh xèo

Theo lời người xe ôm nói, thì Thiền viện Đông Lai được xây dựng từ năm 1999, do Hòa thượng Thích Thiện Chí làm Trụ trì. Khi thấy các phật tử từ khắp nơi đến chùa cúng khá đông, thầy Chí liền bàn với các sư trong chùa nghĩ đến việc làm bánh xèo chay miễn phí để tiếp đãi.

Bí quyết nguyên liệu chế biến món bánh xèo nức tiếng ở đây đều làm từ bột gạo, đậu xanh, nấm mèo, củ sắn, giá đỗ, tàu hũ - Ảnh: Dương Tô Văn

Thời gian đầu, chùa chỉ làm ít để đãi một số khách thập phương đến viếng chùa. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều đến chùa để thưởng thức món ăn này nên từ một vài chiếc chảo đến nay đã lên 40 chiếc chảo, hoạt động liên tục tất cả ngày trong tuần.

Khách thập phương sẽ vô cùng ấn tượng khi chứng kiến tay nghề cao của các đầu bếp. Mỗi người có thể đổ đến 12 chảo. Bánh ra lò liên tục để phục vụ khách. Hiện tại, chùa có khoảng 10 đầu bếp tình nguyện làm món bánh xèo chay Phật tử thập phương. Bếp bánh xèo chùa bao giờ cũng đỏ lửa và không ngớt khách ra vào.

4 gian bếp 12 lò, 40 chiếc chảo cung cấp hàng nghìn bánh mỗi ngày - Ảnh: Dương Tô Văn

Thời gian đầu từ một vài lò, nhưng khi khách đông quá, nhà chùa mới làm thêm 4 giàn bếp, mỗi giàn 12 lò chỉ 1 người ngồi đổ. Trong lúc đổ phải chụm củi đều lửa để đổ bánh không bị khét, bánh sẽ giòn thơm ngon hơn. Nhưng khó khăn lớn nhất là ngồi lâu đổ bánh rất nóng. 9-10 người thay phiên nhau ngồi đổ lúc đông khách mới kịp.

Ông Đào Quốc Hận (52 tuổi, người địa phương) đang lui cui chụm củi trên giàn bếp. Tận mắt chứng kiến sự khéo tay, khả năng đổ bánh xèo của ông Hận, mới thấy rất công phu. Ông “tả xung hữu đột” hơn chục chảo bánh, tay thoăn thoắt di chuyển qua từng cái chảo, cái này vừa ráo mặt, giòn lớp vỏ thì cái kia đã chín. Ông vừa khuấy bột, đổ bột, thêm nhân và xoay chảo một cách liên tục trông thật công phu.

Ông Hận (52 tuổi) - thợ đổ bánh trong chùa, cực kỳ vui tính và hiếu khách, nếu có dịp bạn nên ghé chùa lễ phật và thưởng thức món bánh xèo chay nức tiếng nơi này - Ảnh: Dương Tô Văn

Từ sau khoảng 5 -10 phút, 12 cái bánh nóng hổi ra lò, không cái nào bị cháy khét. Tay vẫn chụm củi, ông Hận bộc bạch: “Chú làm riết rồi quen. Lúc chú mới vô đổ bánh khét hoài. Làm lâu thì tay nghề sẽ cao, bánh không còn bị khét giòn thơm ngon hơn. Thấy vậy khó lắm, muốn chiếc bánh ngon giòn phải từ khâu khuấy bột thật sao cho đều tay, sử dụng chảo thật nhanh tay, chú ý củi lửa canh độ nóng để không làm khét bánh”.

Bí mật nguyên liệu để làm chiếc bánh xèo nức tiếng

Lúc này đã gần 3 giờ chiều. Ngoài đường cái nắng oi bức. Thỉnh thoảng mới có 1 vài chiếc 7 chỗ tấp vào khuôn viên chùa. Người chạy xe ôm cho biết, vào mùa này, khách thập phương chỉ đến viếng chùa lai rai, nên có ít thợ đổ bánh tới tiếp chùa.

Căn bếp ăn rộng khoảng 14m2, rộng rãi thoáng mát. Những dĩa rau, thố nước mắm đã được sắp sẵn. Khi cả nhóm (gồm 2 trai, 2 gái) đã yên vị trên chiếc ghế inox, tôi liền hỏi anh xe ôm: “Nguyên liệu cho món bánh xèo chay ở đây gồm những gì, ăn kèm với bánh là loại rau gì vậy, tôi chưa từng thấy loại rau này bao giờ?”.

“Đối với món bánh xèo chay ở Thiện viện Đông Lai, làm từ nguyên liệu bột gạo thông thường, những hạt đậu xanh nguyên hột được lựa chọn kỹ, tàu hũ, giá đỗ, nấm mèo, củ sắn xắt nhỏ, nước dừa… Các loại rau ăn kèm với món bánh này chủ yếu là rau sạch do phật tử và người dân xung quanh trồng rồi đem tặng chùa.

12 chiếc bánh nóng hổi vừa ra lò - Ảnh: Dương Tô Văn

Một số loại rau được phật tử hái từ trên núi Cấm như rau kim thất mọc ven triền núi mùi vị độc đáo, ít nơi nào có được! Kinh phí cho việc đổ bánh do các phật tử đóng góp. Ai có lòng thì đóng góp vào thùng từ thiện. Việc ăn bánh xèo ở đây không chỉ có những người đi viếng chùa mà còn những công nhân, lao động, buôn bán… Dù có đóng góp hay không cũng được đãi ăn miễn phí”, anh này nói.

Trên bàn những chiếc bánh mới bưng ra đã hết vèo. Một người trong nhóm chúng tôi xuống bếp lấy thêm bánh. Một bạn nữ tên Phượng, ngụ TP.Long Xuyên (An Giang), cho biết thi thoảng hay lên chùa. “Những ngày Vu Lan, hay Lễ Phật, em cùng gia đình lên cúng viếng, sẵn thưởng thức món bánh xèo chay ở đây. Ăn là ghiền anh ạ, ngon không thể tả nổi!”.

Dĩa rau rừng không thể thiếu đối với món bánh này - Ảnh: Dương Tô Văn

Ngoài món bánh xèo chay, ở đây vào những ngày lễ còn có bún chay, cơm chay, bánh mì chay… Tất cả đều ngon, và miễn phí, kể cả nước uống như cà phê, sữa đậu nành…

Chúng tôi bước ra khuôn viên chùa trời vừa xế chiều. Trong kia những người thợ vẫn miệt mài công việc đổ bánh. Ở đâu có Phật sự, nơi đó thấy sự xuất hiện của các cô, bác, anh, chị, em làm công quả. Họ nhiệt tình, xoay trở suốt ngày không mệt nhọc, sớm trưa, mưa gió hay những trưa hè nóng bức... Họ góp nhặt những thầm lặng đáng yêu ấy cho Phật sự được thành tựu.

Một phóng viên thường trú tỉnh An Giang, quê ở Tịnh Biên, cho biết: “Ở xứ Tịnh Biên có rất nhiều nơi bán bánh xèo chay lẫn mặn với giá từ 10.000-20.000 đồng/cái. Nhưng đến với Thiền viện Đông Lai ngoài việc được ăn bánh xèo miễn phí, du khách còn được chiêm ngưỡng nét văn hóa tôn giáo của người dân ĐBSCL”.

Dương Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến chùa ‘Bánh xèo’ ở An Giang