Cử tri Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đề xuất tử hình tội phạm tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản Nhà nước

Hoài Lam | 11/10/2022, 11:37

Cử tri Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa có văn trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 liên quan xử lý tội phạm tham nhũng.

Tham ô, nhận hối lộ: Mức phạt cao nhất là tử hình

Trả lời cử tri tỉnh Nghệ An liên quan đến kiến nghị xem xét, nghiên cứu trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng mức hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, một trong những quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt là chủ trương: “Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”.

Quán triệt quan điểm trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với nhóm tội phạm về chức vụ theo hướng tăng cường hiệu quả xử lý đối với nhóm tội phạm này.

Cụ thể, như bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với tội phạm tham ô tài sản, nhận hối lộ trong nhiều trường hợp; sửa đổi bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với tội danh nhận hối lộ, tham ô tài sản theo hướng đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về hình phạt áp dụng đối với tội phạm về chức vụ, Luật cũng sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt bổ sung.

Trong khi đó, cử tri Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).

Cụ thể, tại khoản 4, Điều 353, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có

Cử tri Đà Nẵng thì phản ánh, điểm c, khoản 3, Điều 40 của Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

tn.jpeg
Mức án cao nhất cho tội phạm tham nhũng lên đến tử hình

Cử tri cho rằng, việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng trong công tác phòng, chống tham nhũng khiến việc tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Do đó, cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại quy định này.

Trả lời vấn đề nay, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, quy định nêu trên nhằm thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được khẳng định tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng. Quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Tuy vậy, quy định này chỉ được áp dụng đối với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm: Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai thì người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Với những trường hợp thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 353 và khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự sẽ bị xem xét truy cứu với mức hình phạt cao nhất là tử hình - hình phạt nghiêm khắc nhất quy định trong chế tài hình sự.

Do vậy, quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự không ảnh hưởng tới việc xem xét quyết định áp dụng hình phạt trong quá trình xử lý hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ đối với người phạm tội.

Còn cử tri TP.HCM đề nghị xem xét, rà soát trình Quốc hội sửa đổi một số điều, khoản trong Bộ luật Hình sự để giảm áp lực và tránh rủi ro trong thực thi nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay.

Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị; tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc; bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.

Bộ luật này bổ sung một số trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó Điều 25 có quy định hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tử hình tội phạm tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản Nhà nước