Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất tăng phí phục vụ hành khách (phí sân bay) dù đã liên tục tăng

Đề xuất tăng phí phục vụ sân bay để... tích lũy

Người Lao Động | 14/06/2016, 07:17

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất tăng phí phục vụ hành khách (phí sân bay) dù đã liên tục tăng

Đề xuất trên được đề cập tại văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016-2020 của ACV. Đơn vị này đề xuất tăng phí phục vụ hành khách tại 7 sân bay: Nội Bài, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc đối với các chuyến bay nội địa.

Tăng phí để… tích lũy

Theo ACV, hiện nay, lượng khách đi tuyến bay nội địa chiếm khoảng 2/3 tổng hành khách thông qua các sân bay trong cả nước. Chi phí đầu tư sân bay quốc tế và sân bay nội địa chỉ chênh lệch nhau 20%-30% nhưng mức phí sân bay đối với khách đi các chuyến nội địa lại thấp hơn từ 2,5 - 8 lần so với khách đi chuyến bay quốc tế.

Vì vậy, ACV đề xuất Bộ GTVT phê duyệt lộ trình điều chỉnh mức phí sân bay đối với khách đi nội địa theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội - quốc tế xuống 2-4 lần trong 5 năm sau cổ phần hóa để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Qua đó, góp phần tăng thu, tăng tích lũy, thúc đẩy quá trình tái đầu tư của ACV, cải thiện kết quả kinh doanh.

Thuế, phí đắt hơn giá vé

Cấu thành cước một chiều bay hiện bao gồm: giá vé + 10% thuế GTGT + phí sân bay + phí soi chiếu an ninh + phí phục vụ khác của hãng hàng không. Bay nội địa, hành khách chỉ phải trả phí tại sân bay đi nhưng bay quốc tế, khách phải trả phí cả hai đầu đi và đến.

Theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí sân bay được ban hành theo khung từ thấp đến cao nhưng hầu hết sân bay đều thu mức cao nhất. Các sân bay nhóm A gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, phí sân bay đối với khách đi nội địa đang thu là 70.000 đồng/người, trong khi khung cho phép từ 40.000 - 70.000 đồng.

Đối với chuyến bay quốc tế, mức thu sân bay Nội Bài đang áp dụng là 25 USD/người (mức thu thấp nhất theo quy định là 13 USD), sân bay Đà Nẵng thu 16 USD/người (mức thấp nhất chỉ 8 USD), sân bay Tân Sơn Nhất thu 20 USD/người (mức thấp nhất là 10 USD). Đối với phí soi chiếu an ninh, mức áp dụng thống nhất cho hành khách đi chuyến bay nội địa là 10.000 đồng/người và khách bay quốc tế là 1,5 USD/người.

Một chuyên gia hàng không cho rằng nếu hành khách chọn bay hàng không giá rẻ với giá khuyến mãi thì các chi phí khác, bao gồm thuế, phí sân bay đã cao hơn giá vé. Nếu giá vé khoảng hơn 600.000 đồng (net) thì mức thanh toán cuối cùng phải là tiền triệu, còn giá vé dưới 400.000 đồng/vé/chiều thì tổng số thuế phí phải trả sẽ cao hơn giá vé.

Do đó, nhiều hành khách mua vé máy bay trực tuyến ngỡ ngàng khi thấy giá ban đầu (net) rất thấp nhưng khi thanh toán lại cao hơn nhiều. Nguyên nhân chính là do giá vé phải cõng thêm các khoản phí nói trên. Trong đó, thuế, phí sân bay là hai khoản được hãng hàng không thu hộ rồi nộp lại cho cơ quan thuế và sân bay.

Chất lượng chưa tương xứng

Trong 5 năm (2010-2014), phí sân bay đã liên tục tăng, chỉ năm 2013 không điều chỉnh. Thế nhưng, đây là giai đoạn ngành hàng không bộc lộ nhiều bất cập do tốc độ tăng trưởng vận tải cao nhưng đầu tư hạ tầng không tương xứng, gây ra tình trạng quá tải trầm trọng ở các sân bay lớn. Kéo theo đó là sự xuống cấp về các dịch vụ thiết yếu như không có nước uống miễn phí, thiếu ghế ngồi, WiFi chập chờn, thiếu xe đẩy hành lý, thiếu khu vực vệ sinh…

Đến cuối năm 2014, các hạn chế nêu trên được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ. Vào cao điểm, dịch vụ của sân bay vẫn không đáp ứng được nhu cầu do phải hoạt động trong tình trạng quá tải.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga đã được nâng cấp nhưng hành khách vẫn mệt mỏi vì thời gian chờ đợi kéo dài do máy bay tắc nghẽn ở đường lăn độc đạo. Thời gian chờ đợi từ lúc lên máy bay đến khi được cất cánh trung bình 15-20 phút, trong khi hành trình bay ở chặng ngắn chỉ khoảng một giờ.

Sân bay quốc tế Nội Bài hiện thu phí chặng quốc tế 25 USD/khách nhưng có thời điểm không dùng được WiFi miễn phí, các hãng hàng không phải kiến nghị nhiều lần mới được giải quyết. Bên cạnh đó, bảng/biển chỉ dẫn quá nhỏ hoặc treo cao nên khách rất khó đọc…

Đại diện một hãng hàng không cho biết về nguyên tắc, ACV đã đầu tư mới tại một số sân bay thì đề xuất tăng phí để thu hồi vốn là đúng. Tuy nhiên, cần công bố thu trong bao lâu, đến khi hoàn vốn có giảm phí không, tăng phí có tăng chất lượng dịch vụ không…? Các vấn đề này cần làm rõ vì những năm gần đây, phí sân bay liên tục tăng nhưng chất lượng dịch vụ gần như không thay đổi.

Phí sân bay tăng liên tục

Phí sân bay đối với chuyến bay nội địa của các sân bay nhóm A năm 2010 là 40.000 đồng/người, năm 2012 lên 60.000 đồng/người, năm 2014 lên 70.000 đồng/người.

Phí sân bay đối với chuyến bay quốc tế của các sân bay nhóm A lần lượt trong các năm 2010, 2011, 2012, 2014 như sau:

Sân bay Nội Bài là 14 USD - 16 USD - 16 USD - 25 USD/người.

Sân bay Đà Nẵng là 8 USD - từ năm 2011 có 2 mức thu là 8 USD/người đối với nhà ga cũ và 16 USD đối với nhà ga mới. Từ năm 2012 đến nay có mức chung là 16 USD/người.

Sân bay Tân Sơn Nhất là 18 USD trong các năm 2010 và 2011. Từ năm 2012 đến nay có mức thu 20 USD/người.

Tô Hà/Người Lao Động

Ảnh minh họa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
2 giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất tăng phí phục vụ sân bay để... tích lũy