PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu giảm thuế xăng dầu có thể tạo ra tình trạng không công bằng, thậm chí không khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Đề xuất giảm thuế xăng dầu, chuyên gia nói gì?

Lam Thanh | 25/02/2022, 10:40

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu giảm thuế xăng dầu có thể tạo ra tình trạng không công bằng, thậm chí không khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Giá xăng RON 95 đã vượt 26.000 đồng mỗi lít và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Tại Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nêu rõ - nhiệm vụ của Bộ Tài chính là chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Về chính sách thuế đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, các sắc thuế áp dụng với xăng dầu gồm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng). Các mặt hàng xăng dầu không chịu các khoản phí, lệ phí nộp cho ngân sách nhà nước.

So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra trong nước đang thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45 - 60%, ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn tỷ trọng này thấp hơn. Trong khi đó, ở nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38%, với dầu khoảng 20%.

xang-dau.jpg
Giá xăng tăng cao thời gian gần đây

Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và Vụ Chính sách thuế nghiên cứu để có giải pháp tối ưu nhất về thuế đối với mặt hàng xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng vấn đề điều hành giá xăng đã khiến sự thiếu hụt xăng trong thời gian qua. Rõ ràng công tác điều hành không được tốt.

Theo ông Thịnh, quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần đã gần diễn biến thị trường hơn. Nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1.2 trùng với ngày Tết âm lịch nên cơ quan quản lý để đến ngày 11.2 mới điều chỉnh giá. Thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh như vậy là quá dài.

Trong khi đó, thời điểm đó lại nhạy cảm bởi giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Như vậy, doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng, thậm chí đóng cửa để tránh âm vốn.

Ngoài việc điều hành giá bị động, thiếu linh hoạt, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cơ quan quản lý lĩnh vực là Bộ Công Thương cũng phải chịu trách nhiệm trong việc khan hiếm xăng thời gian qua.

Ông Thịnh cho rằng khi việc cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề, với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương phải tìm cách bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt, đảm bảo nhu cầu sản xuất của nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.

Liên quan đến việc một số ý kiến đề xuất nên giảm thuế để giảm giá xăng dầu, ông Thịnh cho rằng không thể hạ được, bởi giá xăng dầu Việt Nam đã liên thông với giá thế giới. Giá xăng, dầu thế giới tăng thì giá trong nước tăng.

Một số ý kiến cũng đề xuất xả quỹ bình ổn giá nhưng theo ông Thịnh, hiện nay quỹ không còn để xả, vì cuối năm 2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xả quỹ này. Cuối năm 2021 giá xăng ở Việt Nam tăng chậm hơn giá xăng quốc tế lên tới 12%. Do đó, hiện nay quỹ bình ổn không còn để xả.

Ông Thịnh cũng cho biết theo tính toán, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện đứng thứ 77 từ thấp đến cao trong 168 quốc gia và cũng thấp hơn mức bình quân của thế giới.

Giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam hiện nay là 1,173 USD/lít, thấp hơn giá trung bình thế giới là 1,27 USD/lít. Ngoài ra, thấp hơn Philippies là 1,290 USD/lít, Trung Quốc 1,330 USD/lít, Thái Lan 1,349 USD/lít, Lào 1,343 USD/lít, Hàn Quốc 1,443 USD/lít…

Do đó, nếu hạ thấp thuế nữa thì giá xăng của Việt Nam tiếp tục thấp xuống. Điều này tạo ra nguy cơ tăng mạnh buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

xang-dau-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Cũng theo ông Thịnh, hiện nay mức thuế trong giá xăng dầu chiếm 38,2% trên giá xăng dầu cơ sở với 4 loại thuế, thấp hơn so với mức cuối năm 2021 (khoảng 42%). Mức thuế này hiện thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ví dụ, thời điểm cuối năm 2021, mức thuế ở Campuchia là 49%, Lào là 56,5%, Trung Quốc là 52,5%, Philippines là 49,5%, Hồng Kông 76%, Singapore 67%...

Một điều nữa, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu so sánh với một số quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Philippines, giá xăng dầu của Việt Nam đều đang thấp hơn.

Ông Thịnh cũng cho rằng nếu giảm thuế xăng dầu sẽ tạo ra tình trạng không công bằng, bởi người dân nghèo thường sử dụng ít xăng dầu, còn người giàu mới sử dụng nhiều xăng dầu. Hơn nữa, hạ thấp thuế sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung, bởi giá rẻ họ càng sử dụng nhiều thì càng được hỗ trợ nhiều. Chưa kể, ngân sách cũng sẽ thất thu.

Như vậy, theo ông Thịnh, không thể can thiệp để hạ giá xăng dầu như một số yêu cầu. Kể cả sử dụng Quỹ bình ổn cũng chỉ để hỗ trợ giảm sốc thời gian đầu để doanh nghiệp vực dậy sau COVID-19, còn phải điều hành giá theo thế giới.

Để giảm bớt khó khăn, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng doanh nghiệp có thể tính toán đưa chi phí xăng dầu vào hàng hoá, dịch vụ của mình. Tất nhiên, lúc đầu sẽ ít người mua hơn, nhưng ai cũng sẽ thông cảm vì khi tăng chi phí sản xuất thì phải tăng giá thành.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tính toán lại về hoạt động, ví dụ doanh nghiệp vận tải làm thế nào để chạy hàng hai chiều, không để chạy xe rỗng, hoặc giảm thiểu chi phí năng lượng, chi phí logistics, chi phí kiểm định, kho tàng, sân bay… Khi đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí.

Còn với người dân, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, mọi người dân đều được hưởng và khó có thể hỗ trợ riêng liên quan đến giá xăng dầu.

Trả lời báo chí, TS Bùi Trinh cho rằng nên bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện nay. Ngoài ra, ông Trinh cũng đề xuất nên xem xét và giảm thuế GTGT cho xăng dầu từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp sẽ chịu tác động ở nhiều chu kỳ sản xuất chứ không chỉ riêng 1-2 tháng. Như vậy ước tính nếu giảm được thuế này tương đương mỗi lít xăng sẽ giảm được thêm khoảng 1.000 đồng. Tổng cộng chỉ cần bỏ được thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế GTGT thì mỗi lít xăng sẽ hạ được 5.000 đồng.

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất giảm thuế xăng dầu, chuyên gia nói gì?