Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Hồng Ngọc hiện là giảng viên khoa sau đại học trường Mỹ thuật TP.HCM. Ngoài nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, chị còn tham gia vào đội ngũ biên soạn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới sắp tới đây, ở bộ môn Mỹ thuật.
Xung quanh chủ đề Làm thế nào để giúp cho học sinh được học bộ môn nghệ thuật thật chất lượng trong nhà trường chứ không phải “học cho có”, Tiến sĩNguyễn Hồng Ngọc đã trò chuyện với chúng tôi.
Theo chị, có nên xem môn mỹ thuật là một trong những công cụ chính cho việc phát hiện tài năng về nghệ thuật? Liệu một đứa trẻ có cần phải học hết tất cả các môn về nghệ thuật thay vì nó được chọn môn học mà nó thích chẳng hạn như hội họa hay âm nhạc kịch nghệ.v.v.?
TS Nguyễn Hồng Ngọc: Ở mỗi một môn học nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ… lại có góc độ tiếp cận riêng để khai mở năng lực tư duy sáng tạo, hướng đến nhận thức, cảm thụ cái đẹp và tính nhân văn cho trẻ em. Cho nên, với cá nhân tôi, việc chọn ra một môn nghệ thuật nào đó làm công cụ chính cho việc phát hiện tài năng nghệ thuật là không hợp lý với bản chất của việc dạy và học nghệ thuật. Cách thức có thể phù hợp cho giáo dục nghệ thuật phổ thông là: Các bộ môn nghệ thuật cần được mở theo chiều rộng với đối tượng học sinh Tiểu học; Tăng cường kiến thức kỹ năng, khai phá năng lực sáng tạo ở nhiều khía cạnh để có thể bắt đầu phân ban theo sở thích, năng lực ở năm cuối cấp với đối tượng học sinh THCS và có tính chất định hướng nghề theo dạng môn học tự chọn cho đối tượng học sinh THPT.
Việc học các môn nghệ thuật nói chung, môn Mỹ thuật nói riêng đối với trẻ em cũng không nên đặt vấn đề chỉ nhằm vào mục đích chọn lọc, phát hiện ra tài năng nghệ thuật. Rất nhiều nghiên cứu mới của các nhà khoa học cho thấy sự tiếp xúc sớm và thường xuyên với âm nhạc, mỹ thuật hay một số môn nghệ thuật khác… sẽ có ích cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, giúp cho sự phát triển toàn diện, cân bằng của não bộ (trí thông minh, tư duy logic, tư duy sáng tạo, óc tưởng tượng…), hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần và nhiều kỹ năng xã hội khác. Mặt khác, nội dung, kiến thức nghệ thuật phổ thông cũng là một tiêu chí không thể thiếu để đánh giá trình độ văn hoá, văn minh của mỗi con người trong xã hội đương đại, cũng như sự phát triển của nền văn hoá nghệ thuật ở mỗi quốc gia.
Được biết hiện nay chị có tham gia biên soạn giáo trình mỹ thuật cho chương trình cải cách mới. Ở góc độ một nhà giáo với chuyên môn mỹ thuật, theo chị,học sinh tiểu học, THCSvà THPTnên được cung cấp những kiến thức cơ bản nào để các em có thể thẩm thấu được một tác phẩm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng?
TS Nguyễn Hồng Ngọc:Những kiến thức cơ bản (hay còn gọi làKiến thức cốt lõi) của môn học Mỹ thuật ở trình độ phổ thông được Ban soạn thảo chương trình SGK Mỹ thuật mới xác định là:1.Những yếu tố tạo hình(Điểm, Đường nét, Hình/mảng, Khối, Không gian, Màu sắc, Chất liệu),2. Những nguyên lý tạo hình(Cân bằng, Chính phụ, Điểm nhấn, Tương phản, Tỷ lệ, Nhịp điệu, Chuyển động, Thống nhất…). Những kiến thức cốt lõi này được xây dựng một cách thống nhất theo cấu trúcđồng tâm, tuyến tính(tức là: kiến thức cốt lõi sẽ được lặp đi lặp lại và nâng cao dần ở từng lớp học, cấp học, bậc học với dạng thức tương tự như tính chất của đường xoáy trôn ốc, từ tâm toả ra và được mở rộng bằng sự phong phú, đa dạng của đề tài, thể loại, kỹ thuật, chất liệu, ngôn ngữ, phong cách thể hiện, hệ hình tượng, tiếp cận nghệ thuật truyền thống – đương đại…), giúp bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mỹ họcsinh thông qua các năng lực thành phần đặc thù như: quan sát – nhận thức, sáng tạo – ứng dụng, phân tích – đánh giá thẩm mỹ; kết hợp giáo dục ý thức kế thừa, phát huy văn hoá nghệ thuật dân tộc phù hợp với sự phát triển của thời đại. Nội dung học tập mỹ thuật ngày nay không chỉ hiểu đơn thuần là năng khiếu, năng lực để vẽ nên một bức tranh đẹp mà bao hàm ý nghĩa rộng hơn rất nhiều với hai mạch nội dung chính: Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng. Nó có thể là sự nhận thức, cảm nhận, ngưỡng mộ, rung động trước cái đẹp trong mọi mặt của đời sống, cảm nhận vẻ đẹp, sự tiện dụng, sắp xếp hợp lý của những đồ đạc xung quanh; có thể chủ động chọn lựa cho mình một bộ quần áo có kiểu dáng, màu sắc, hoạ tiết trang trí… phù hợp với không gian sử dụng; có thể là kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay để tạo nên những sản phẩm thủ công, hay trang trí, làm đẹp cho đồ dùng cá nhân (cốc, đĩa, bát, hộp bút, áo, quần, giày dép…); hoặc nhận biết được một tác phẩm nghệ thuật, một nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử, phong cách của họa sĩ đó…
Làm thế nào để đem nghệ thuật trở thành môn học nhân văn, thật sự nâng đỡ trí tưởng tượng, và óc sáng tạo cho học sinh?
TS Nguyễn Hồng Ngọc:Thực tế đã chứng minh có rất nhiều trường hợp các em nhỏ ở độ tuổi thiếu niên tỏ ra rất có năng khiếu hội hoạ, thậm chí giành đã được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi vẽ, nhưng năng lực đó lại dần cạn và mất đi ở độ tuổi trưởng thành. Trái lại, có rất nhiều trường hợp dường như không có chút biểu hiện của năng khiếu mỹ thuật trong những giai đoạn trải nghiệm ban đầu, nhưng bỗng đến một thời điểm, năng lực đó bất ngờ được khai mở và phát triển nhảy vọt. Hầu hết những người đã từng trải qua một thời gian học vẽ lâu dài đều cảm nhận và hiểu được trạng thái của “bước nhảy vọt” về năng lực này. Đưa ra ví dụ trên, điều tôi muốn đề cập đến là: không xét tới trường hợp năng khiếu bẩm sinh, thì sự phát triển về nhận thức thẩm mỹ và năng lực thẩm mỹ thực chất làmột quá trìnhtrải nghiệmvà nócần quá trình trải nghiệm này để được tích luỹ và dần khai mở những nguồn lực tiềm ẩn bên trong mỗi cá nhân một cách tự nhiên nhất.Không chỉ vậy, quá trình trải nghiệm đó còn phảidựa trên sự hứng thú, hứng khởi, sự vui thích, là những trải nghiệm trong cảm giác của sự tự do sáng tạo.
Để có được điều này, theo tôi, quan trọng nhất nằm ở phương pháp và cách tiếp cận môn học. Chẳng hạn, với đối tượng học sinh Tiểu học, đặc biệt là với học sinh lớp 1, phương pháp dạy và học nghệ thuật không theo hướng tiếp cận bằng nội dung lý thuyết mà cần được bắt đầu đúng với bản chất, tính chất của nó ở nguồn gốc sơ khởi:Nghệ thuật là giải trí, là niềm vui, là trò chơi, là một nhu cầu tự nhiên xuất phát từ nội tại của mỗi cá nhân. Hướng này nhằm kích thích hứng khởi, đam mê thích thú cho học sinh dù có hay không có năng khiếu cũng không bị tâm lý sợ hãi, lo lắng khi bắt đầu. Phương pháp này có thể tăng hiệu quả hơn khi kết hợp với cách tiếp cận hình thức trình bày Trực quan. Do vậy, SGK Mỹ thuật cấp 1 cần sự đầu tư cho Thiết kế sinh động và hấp dẫn thị giác hơn mọi cấp học khác.
Một ví dụ khác về phương pháp tiếp cận, như đối với yêu cầu lồng ghép kiến thức lịch sử nghệ thuật thế giới và Việt Nam vào giáo dục Mỹ thuật phổ thông. Đây quả thực là điểm gây khó khăn cho học sinh khi đã phải gánh khối kiến thức lý thuyết nặng nề của các môn học khác. Tuy nhiên, có thể thay đổi cách tiếp cận nội dung này một cách hấp dẫn, thú vị hơn dưới hình thức của câu chuyện về một nhân vật, một công trình cụ thể. Chẳng hạn như nội dung dạy về Mỹ thuật nguyên thuỷ, Điêu khắc Hi Lạp, La Mã hay Nghệ thuật hiện đại có thể thành những câu chuyện với tên gọi hứa hẹn, kích thích trí tò mò, mong muốn khám phá những điều lý thú, hấp dẫn như: Những con bò ở trong hang Altamira, Thần vệ nữ của người Hi Lạp, Bà Monalida của Leonardo da Vinci, hay Picasso vẽ chim hoà bình”, Vangogh vẽ cánh đồng ở Pourvant…Tương tự vậy với kiến thức Lịch sử nghệ thuật Việt Nam có thể là những câu chuyện như:Những hình người nhảy múa trên trống đồng Đông Sơn, Câu chuyện về con sư tử đá ở chùa Bà TấmhayChiếc áo long bào của ông vua thời Nguyễn…
Trên hết, cho dù chúng ta có một khung chương trình với nội dung, phương pháp, hướng tiếp cận, triết lý giáo dục tốt, song không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các thầy cô giáo. Chỉ có sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, sự khao khát truyền ngọn lửa đam mê, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo tới thế hệ tương lai, thì khi ấy những nhận thức về cái đẹp, trí tưởng tượng và óc sáng tạo các em thực sự được chắp cánh bay cao.
Xin cám ơn chị!
Ngân Hàthực hiện