Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em với hành vi ngày càng tinh vi. Các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên dưới đây cho cha mẹ khi trẻ bị bắt cóc.
Đi nhờ vệ sinh rồi bắt cóc
Ngày 27.7, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, khoảng 16h ngày 21.7, tại thôn 2, xã Lộc Bảo xảy ra vụ nghi bắt cóc trẻ em, nạn nhân là một bé trai sơ sinh 10 ngày tuổi, con của anh Bùi Văn Hòa (43 tuổi) và chị Trần Thị Nội (26 tuổi).
Theo lời của gia đình, vào khoảng 15h30 ngày 21.7, có một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, cao khoảng 1,55m mặc áo mưa màu xanh, đội mũ bảo hiểm và bịt khẩu trang, đi xe máy Sirius màu trắng (hãng yamaha), biển số 49K1… (các số sau chưa rõ) ghé cửa hàng tạp hóa của gia đình để hỏi thăm đường và xin đi nhờ nhà vệ sinh. Khoảng 15 phút sau khi mẹ bé xuống thìkhông thấy con đâu. Hiện tại, tung tích của cháu bé đang được các cơ quan chức năng tìm kiếm.
Trước đó, ngày 22.7, Công an phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) tiếp nhận trình báo của chị Dương Thị Lân về việc con gái chị là cháu Nguyễn Minh Châu (SN 2012) mất tích sau khi đi ra ngõ chơi. Dấu vết duy nhất để lại là đôi dép của cháu bỏ lại cách nhà vài chục mét. Ngoài việc trình báo công an, gia đình còn đăng thông tin lên mạng xã hội với hy vọng sớm tìm thấy con.
May mắn, có nhiều trẻ bị bắt cóc đã đoàn tụ gia đình. Như trường hợp của cháu Vũ Văn T, 3 tuổi, ở phường Quang Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) trong lúc đang chơi với bạn ở sân trước nhà đã bị một người đàn ông bắt cóc đi. Trước khi xảy ra sự việc, người dân quanh đó thấy một thanh niên mặc bộ quần áo trắng và đi xe máy màu trắng lượn lờ mấy vòng xung quanh sân nhà bé T. Khi bắt cháu đi, đối tượng đã gửi lại cho đứa bé ở cùng sân chơi một tờ giấy với nội dung: “Muốn nhận lại con thì đưa 20 triệu đồng…” và để lại số liên hệ.
Nhận được thông tin con bị bắt cóc, gia đình đã nhanh chóng đi báo công an. Đến chiều cùng ngày, đối tượng đã nhắn tin cho gia đình cháu yêu cầu buộc tiền vào dây chun rồi thả xuống gầm cầu Thanh Trì và sang Công an phường Sài Đồng nhận con về. Tại đây, khi đến nhận tiền chuộc, hung thủ đã bị công an khống chế, bắt giữ.
Các chiêu thức để bắt cóc trẻ
Theo PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, bắt cóc trẻ em là một loại tội phạm rất nguy hiểm và gần đây có xu hướng gia tăng. Qua những vụ việc xảy ra cho thấy, hoạt động của tội phạm bắt cóc trẻ em ngày càng tinh vi nhưng cũng hết sức manh động, liều lĩnh. Các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em rất đa dạng.
Các đối tượng thường tìm hiểu nắm rõ quy luật sinh hoạt của gia đình trẻ cũng như sinh hoạt, học tập của trẻ (nơi học, giờ đến lớp, giờ tan lớp, các thông tin về cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, người thân…).
Phổ biến nhất là khi thấy trẻ chơi một mình ngoài đường, chúng liền tìm cách tiếp cận dùng vũ lực bắt đi hoặc lân la làm quen rồi dụ dỗ trẻ đi theo chúng bằng bánh kẹo, đồ chơi…Nếu đứa trẻ nghe theo lời đối tượng, đi tới một địa điểm có khoảng cách xa so với tầm quản lý của người lớn, đối tượng sẽ thực hiện hành vi bắt cóc. Đối tượng còn lợi dụng quen biết với gia đình hay với trẻ, để đón lõng các trẻ trên đường đi học về, xin đi nhờ… rồi bắt cóc tống tiền hoặc cướp tài sản.
Một thủ đoạn khác là chúng giả danh là người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa trẻ rồi đưa đi. Tại bệnh viện chúng đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ rồi lợi dụng sơ hở bắt cóc trẻ sơ sinh; có vụ chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.
Cũng có nhiều thủ phạm lợi dụng quen biết, lòng tốt của người dân đến xin ngủ nhờ rồi nhân lúc mọi người đang say giấc, chúng ra tay bắt cóc hoặc cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát. Ngoài ra, chúng cũng có thể theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường phố không đeo đai an toàn, chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, đối tượng thường chuẩn bị rất kỹ kế hoạch bắt cóc từ việc làm quen, dụ dỗ, dựng các kịch bản để lừa cô giáo, nhân viên y tế, người thân… đến kế hoạch di chuyển, lưu giữ trẻ bị bắt cóc, tiêu hủy chứng cứ hoặc bỏ trốn. Khi thực hiện thủ đoạn, đối tượng còn sử dụng công nghệ thông tin như qua mạng Internet, mạng xã hội, điện thoại di động… thậm chí là hình thành các nhóm với sự phân công vai trò, vị trí của từng đối tượng làm cho công tác phát hiện, truy bắt, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Điều cần làm khi trẻ bị bắt cóc
TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ,TB&XH TP. HCM) cho rằng, ngày nay, bắt cóc có nhiều nguyên do chứ không chỉ để chiếm đoạt tài sản. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể là đối tượng của bắt cóc. Các bậc cha mẹ cũng đừng nghĩ rằng, chỉ con nhà giàu mới bị mà tất cả trẻ đều có thể bị bắt cóc bởi bọn buôn người để phục vụ cho nhiều mục đích như lấy nội tạng, làm ăn xin, đem bán trẻ cho các gia đình hiếm muộn hay bán ra nước ngoài để lấy tiền…
Nếu gặp phải tình huống con em mình bị các đối tượng bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương xác minh tính xác thực của thông tin về vụ bắt cóc. Nếu nhận thấy các dấu hiệu tương đối rõ nét về việc con em mình có thể đã rơi vào tay của những kẻ bắt cóc, gia đình cần bình tĩnh và khẩn trương bí mật báo với cơ quan công an.
Hiện nay có một sai lầm lớn là nhiều gia đình do bị đe dọa, sợ hãi nên không báo công an mà tự mình giải quyết theo yêu cầu của đối tượng… Không ít trường hợp vì quá lo sợ lời đe dọa của đối tượng nên đã không báo hoặc báo chậm hoặc thiếu hợp tác với cơ quan công an nên đã trả giá đắt.
Để bảo vệ trẻ, quan trọng vẫn là gia đình. Hướng dẫn trẻ nắm được thông tin về gia đình như bố mẹ, ông bà, địa chỉ nhà… giám sát việc đưa đón, giao tiếp với người lạ; trao đổi, phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo trong quản lý các cháu ở trường; nắm chắc việc quan hệ bạn bè của các cháu. Nhà trường, cơ sở y tế cần đề ra các nội quy và thực hiện chặt chẽ các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em, tránh việc bắt cóc xảy ra.