Đại biểu quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
Nhịp đập khoa học

Đề nghị nghiên cứu đưa kinh tế số vào chương trình giáo dục phổ thông

Lam Thanh 12/11/2024 12:16

Đại biểu quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Sáng 21.11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng.

Lõm sóng ở vùng sâu vùng xa

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề phủ sóng ở vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra thì mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng, không thể làm việc trực tuyến, họp trực tuyến.

“Gần đây, khi chúng ta chuyển qua sử dụng môi trường số nhiều hơn, làm việc và mua bán trên thương mại điện tử nhiều hơn thì mới chú ý nhiều hơn đến vùng lõm sóng. Trong giai đoạn COVID-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, chúng ta đã phủ sóng được 2.500 thôn bản lõm sóng, còn 751 vùng lõm sóng mới và trong tương lai sẽ phát hiện thêm”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết 751 vùng lõm sóng mới phải được thực hiện theo quy định mới, nhưng đến nay nghị định chưa được ban hành và chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trách nhiệm thuộc về mình.

kts-2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Bộ TT-TT đang cố gắng hết sức để tháng 12 năm nay có thể hoàn thiện và ban hành nghị định, có cơ chế thông thoáng hơn nhiều để xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu vùng xa.

Bộ trưởng Hùng khẳng định khi nghị định ấy ra đời thì việc phủ sóng cho 751 vùng lõm sóng sẽ được thực hiện rất nhanh. Với những trạm chưa có điện, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực VN để giải quyết, và đề xuất giải pháp mới là sử dụng vệ tinh.

Hiện nay Bộ TT-TT đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, hoặc khó triển khai.

Cũng tại phần chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng TT-TT khi trong tổng số 761 thôn bản chưa có sóng di động (số liệu tính đến 9.2024), có đến 637 thôn có điện nhưng vẫn chưa có sóng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, với những trạm không có điện, khó khăn trong triển khai điện thì sẽ dùng giải pháp vệ tinh. Với những trạm không thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, Bộ TT-TT đã đôn đốc để các nhà mạng tích cực phủ sóng, mục tiêu đặt ra là phủ sóng trong năm 2024.

Ngoài ra, đối với các trạm thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới, nghị định mới. Việc chậm nghị định là thuộc trách nhiệm của bộ trưởng. Nguyên nhân của vấn đề này do trong quá trình xây dựng, các bộ còn có ý kiến khác nhau. Trong năm nay, nghị định sẽ được ban hành.

Bộ trưởng TT-TT cho biết bộ đã yêu cầu đến tháng 6.2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng, bởi khi không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, vì giờ đây gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số.

Nghiên cứu đưa kinh tế số vào giáo dục phổ thông

Chất vấn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều nhà nghiên cứu đánh giá “cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số”. Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin và có tính cách mạng, tạo ra cuộc cách mạng về chuyển đổi số.

“Vấn đề đặt ra là có nên dạy kỹ năng số, kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào chương trình giáo dục phổ thông hay không? Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT-TT sẽ nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào kỹ năng số, có thể tăng thời lượng cho môn học này”, ông Hùng nói.

kts-5.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Trả lời ý kiến của đại biểu về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng Hùng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của bộ, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng.

Ở nước ta, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con. Bộ trưởng Hùng cũng nhấn mạnh về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.

Sẽ cấm quảng cáo thuốc lá điện tử nếu có thông tin chính thức từ Bộ Y tế

Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quản cáo các sản phẩm này, xử lý các trường hợp vi phạm.

Về tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí có bác sĩ gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm.

kts-1.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Quốc hội

Theo đó, trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ TT-TT sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý và trường hợp không xác định được danh tính thì Bộ TT-TT sẽ tổ chức ngăn chặn.

Liên quan đến kế hoạch phối hợp liên ngành để giám sát toàn diện quy trình sản xuất, phân phối và quản lý nhà nước về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT, có công cụ giải quét, phát hiện quảng cáo sai sự thật để xác định danh tính, ngăn chặn. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã xử lý các vấn đề về kém chất lượng và khi mà cần thiết sẽ phối hợp với Bộ TT-TT để xác định danh tính, ngăn chặn.

Trả lời đại biểu về chất lượng thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trách nhiệm về chậm trễ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần sử dụng công nghệ để hỗ trợ, xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế.

“Hiện Bộ TT-TT đang phát triển trợ lý ảo để khi ban hành nghị định mới thì có thể hỏi trợ lý ảo về các pháp luật liên quan đề cập nội dung liên quan, xem có mâu thuẫn, chồng chéo hay không, dự kiến hết năm nay có thể đưa vào sử dụng rộng rãi và hiện đang áp dụng ở Bộ TT-TT và Bộ Tư pháp”, Bộ trưởng Hùng nêu rõ.

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
2 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị nghiên cứu đưa kinh tế số vào chương trình giáo dục phổ thông