Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Đề nghị giữ nguyên ưu đãi vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội

Hồ Đông | 14/09/2021, 22:01

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 25 về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trong đó, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Lý do sửa đổi là Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phản bác quan điểm này. HoREA cho biết đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 và nhận thấy rất rõ là luật không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo HoREA, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, vừa do thiếu dự án nhà ở xã hội, vừa do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm và ít. Hiện nay, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất.

Về thời hạn cho vay ưu đãi thì trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Mới đây, Nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

HoREA cho rằng đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

nha-o-xa-hoi.jpeg
Kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra - Ảnh: Internet

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định tại Thông tư 25. Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.

Ngoài ý kiến trên, HoREA cũng thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về việc bổ sung quy định hạn mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng. Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Thứ nhất, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai, do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng - chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của ngân hàng này.

Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai.

Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua cũng như trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng nói rằng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách. Dự kiến Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định 49/2021/NĐ-CP, trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, là một trong những vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua.

Bài liên quan
Chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ ‘bơm tiền’ để hỗ trợ nền kinh tế
Chuyên gia dự báo những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc bơm thêm tiền đồng ra thị trường nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị giữ nguyên ưu đãi vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội