Câu chuyện về chiếc phong bì dường như là chủ đề muôn thuở bên cạnh chiếc giường bệnh của mỗi người khi bước chân vào bệnh viện, và dường như đó là một câu chuyện dài chưa hồi kết.

Để nạn đưa phong bì cho bác sĩ tồn tại là tiếp tay cho tham nhũng

Hải Yến | 16/12/2016, 06:50

Câu chuyện về chiếc phong bì dường như là chủ đề muôn thuở bên cạnh chiếc giường bệnh của mỗi người khi bước chân vào bệnh viện, và dường như đó là một câu chuyện dài chưa hồi kết.

Mới đây, khi chứng kiến 4 người bệnh nằm chung một giường, bệnh nhân phản ảnh phải "lót tay" cho bác sĩ để được mổ sớm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã truy vấn lãnh đạo Bệnh viện K và đề nghị xử lý kỷluật những bác sĩ, điều dưỡng gây khó dễ cho bệnh nhân.

Bên cạnh đấy nhiều người bệnh cũng tố cáo với Bộ trưởng những khoản chi khó nói với các y bác sĩ tại chính bệnh viện lớn nhất nhì này đang là thực trạng diễn ra ở hầu hết các bệnh viện. Mặc dù ngành y đã có những nỗ lực tích cực đáng hoan nganh để dẹp nạn phong bì, giảm quá tải ở bệnh viện, tuy nhiên, điều đó có vẻ vẫn chưa đủ.

Suy nghĩ của đại đa số mọi người phải có "phong bì cảm ơn" thì mới được các bác sĩ, y tá thăm khám, chữabệnh, chăm sóc một cách tốt nhất đã ăn sâu vào suy nghĩ của từng người. Thế nên không có gì quá khó khăn khi cứ vào viện, cho dù chưa biết bệnh nặng hay nhẹ, điều trị thế nào, phải nằm viện hay không thì chính người nhà đã tìm gặp nhân viên y tế để "nhờ vả" cho người thân mình được các bác sĩ "chiếu cố" hơn người khác.

Chính vì câu chuyện đó, một vấn nạn của ngành y tế mãi không thể xóa được đó chính là "văn hóa phong bì". Thậm chí có những người nhà còn chia sẻ cách đưa phong bì cho bác sĩ ra sao, hỏi thăm những người đã thăm khám trước đó hoặc mổ trước đó là đưa phong bì bao nhiêu để họ tiếp tục "đưa như nhau" cho bác sĩ khỏi "phật lòng".

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới - một bác sĩ khoa sản của bệnh viện Phụ sản trung ương, Hà Nộicho hay: Không thể trách các y, bác sĩ được vì bản thân họ không hề đòi hỏi, chỉ trách người bệnh cứ "rỉ tai nhau", tự đi theo vết xe đổ của người khác mà làm hư một số bộ phận các y bác sĩ.

Thậm chí bản thân những người mổ cho các bà mẹ ngay tại bệnh viện phụ sản, họ không hề nhận một chiếc phong bì nào nhưng người nhà bệnh nhân cứ dấm dúi vào tay các điều dưỡng hoặc một người nào đó nhờ "chuyển tới bác sĩ mổ". Thậm chí bệnh viện đã chủ động lắp camera theo dõi tại các khoa khám bệnh, hành lang để phát hiện ra vi phạm nhưng tình trạng này vẫn chưa được gạt bỏ.

Theo GS.TS Phạm Gia Khải - Nguyên viện trưởng Viện tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã khẳng định, chính gia đình ông cũng đã từng mang phong bì tới biếu các bác sĩ khi họ trực tiếp điều trị cho ông. Nhưng đây chỉ là chiếc phong bì cảm ơn của chính người nhà bệnh nhân và việc này hoàn toàn là tùy tâm. Y tế là một ngành dịch vụ chứ không phải là kinh doanh, chính vì vậy việc lợi dụng giữa biết ơn và bắt phải thỏa hiệp mới có trách nhiệm là rất mong manh.

Nói về nguyên nhân vấn nạn phong bì trong ngành y, GS.TS Phạm Gia Khải cho biết: “Khi cung với cầu không đi đôi với nhau sẽ sinh ra tiêu cực. Nhất là khi cung không đáp ứng được cầu thì không tránh khỏi việc thiếu công bằng, bắt chẹt. Khi xảy ra tình trạng bác sĩ bắt chẹt bệnh nhân thì yếu tố nhân đạo không còn và màu áo blouse cũng vì thế mà hoen ố”.

Nhiều bệnh viện đã có các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này như: xử phạt đối với bác sĩ nhận phong bì, may áo blouse không có túi… Xử phạt là cần thiết nhưng cũng không phải là tốt nhất và việc đưa – nhận phong bì vì thế cũng tinh vi hơn. Nhiều bệnh viện đã áp dụng quy định cấm đưa – nhận phong bì trong phòng khám, tuy nhiên nạn phong bì vẫn luôn là tâm điểm dư luận.

BS. TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)

Theo phân tích của bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Bạch Mai cho rằng chuyện người nhà cảm ơn bác sĩ hiện nay đang bị lạm dụng khiến mối quan hệ giữa bác sĩ - bệnh nhân trở thành mối quan hệ mua bán. Loại phong bì mà dư luận thường lên án đó là nhân viên y tế cố tình nhũng nhiễu, tạo áp lực đối với bệnh nhân, gây khó khăn cho họ.

Với trường hợp người bệnh tự nguyện tặng quà, phong bì vì được bác sĩ tận tình chăm sóc thì xử lý thế nào? “Trách nhiệm của y bác sĩ là tận tâm chữa bệnh, cứu người. Nhưng đôi lúc người bệnh vì muốn cảm ơn mà nài nỉ, nhất quyết không chịu nhận lại phong bì khi mình từ chối. Khi ấy, giải pháp đơn giản nhất là công khai khoản này để cả người bệnh và tập thể khoa phòng biết, sử dụng số tiền vào việc chung như mua sắm thêm trang thiết bị cho khoa, cho người bệnh hoặc giúp đỡ bệnh nhân khác” - bác sĩ Hùng đề xuất.

BS. TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) khẳng định: Đưa phong bì là hậu quả của hệ thống y tế lệch lạc đã vận hành một cách lệch lạc ở môi trường văn hóa lệch lạc. Và điều này đã trở thành phổ biến đến mức mọi người cho đó là việc bình thường, quá quen thuộc trong đời sống hàng ngày của mỗi người mỗi khi họ tới bệnh viện. Và nó cứ thế tồn tại cho tới tận ngày nay. Có thể thấy ngành y tế đã không nhìn nhận nó một cách nghiêm túc, không coi đó là một vấn đề phải được nghiên cứu rất cụ thể để giải quyết triệt để nó.

"Tôi cho rằng, vấn đề phong bì này nó liên quan đến đạo đức của ngành y thì đúng hơn. Nhưng trên thực tế, ngành y lại đang coi việc nhận phong bì là hành vi được làm. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ cũng không nên để bệnh nhân thất vọng khi để lòng tốt của người bệnh không được giãi bày. Nếu còn đặt vấn đề như vậy có nghĩa là ngành y tế chưa lắng nghe được tiếng nói của người dân và chưa đánh giá được thực chất phong bì đó có phải hoàn toàn là phong bì cảm ơn hay không?

Phải đặt câu hỏi, “Liệu có tồn tại một dịch vụ y tế công mà không có phong bì được không?”. Câu trả lời là Có.Người lãnh đạo ngành y phải xem xét, phải đặt câu hỏi tại sao lại như vậy? Tại sao một vấn đề không mong muốn mà vẫn để nó tồn tại, ngành y tế phải trả lời câu hỏi này. Ngoài ra, cũng phải giúp người dân hiểu rằng họ không cần dùng đến phong bì khi tới bệnh viện, bởi làm thế chính là tiếp tay cho các hoạt động tham nhũng." - bác sĩ Trần Tuấn nêu ý kiến.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để nạn đưa phong bì cho bác sĩ tồn tại là tiếp tay cho tham nhũng