Ngành y tế TP.HCM thừa nhận việc để xảy ra hàng chục nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mắc COVID-19 là một bài học sâu sắc. Hiện ngành y tế TP đã rút kinh nghiệm và có những chỉ đạo để khắc phục tình trạng trên.
Bài học sâu sắc cho ngành y tế thành phố
Hiện nay, một trong những vấn đề nóng về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM là tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 trong nhân viên y tế ở bệnh viện. Đặc biệt nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến thời điểm này bệnh viện đã có đến 55 nhân viên y tế mắc COVID-19.
Vấn đề đặt ra lúc này là việc thực hiện phòng chống dịch, nhất là thực hiện 5K của các nhân viên y tế ở đây như thế nào mà để lây lan như vậy. Các nhân viên y tế ở đây có lơ là, không tuân thủ việc phòng chống dịch trong quá trình làm việc hay không?
Chia sẻ về điều này với báo chí vào chiều 14.6, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện khá tốt việc phòng thủ trong công tác phòng chống COVID-19. Những trường hợp đến bệnh viện khám đều được phân luồng ngay từ lúc chưa vào bên trong bệnh viện. Nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu của bệnh COVID-19 thì tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và đã kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh.
Nhờ điều này, trong thời gian gần đây, các bệnh viện đã phát hiện 48 bệnh nhân đến khám bệnh mắc COVID-19, và đã kịp thời điều tra, truy vết, xử lý các trường hợp có liên quan.
“Từ một nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bị lây nhiễm bên ngoài rồi lây nhiễm cho các nhân viên khác trong bệnh viện. Đến nay, bệnh viện này đã có đến 55 nhân viên y tế mắc COVID-19. Đây là một bài học sâu sắc cho ngành y tế TP”, ông Hưng nói.
Qua sự việc trên, ông Hưng cho biết, ngành y tế TP đã chỉ đạo các bệnh viện phải yêu cầu nhân viên y tế thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang xuyên suốt trong quá trình làm việc; sau giờ làm phải hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, nếu không sẽ mang mầm bệnh từ bệnh ngoài vào bệnh viện rồi mang mầm bệnh từ bệnh viện ra ngoài. Điều này sẽ rất nguy hiểm.
Liên quan đến các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mắc COVID-19, BS.CK 2 Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đến thời điểm này toàn bộ F1 của 55 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở bệnh viện này đều âm tính.
Qua số liệu ban đầu cho thấy, các ca mắc COVID-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP tập trung ở khối hành chính, hậu cần, chứ không phải nội trú. Hiện các ngành chức năng đang điều tra và đánh giá cụ thể để giúp người dân yên tâm.
Trong vòng 2 giờ phải truy vết được hết các trường hợp F1
Về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần tiếp theo trên địa bàn TP.HCM, ông Dũng cho biết, điều này có thành công trong việc chống dịch hay không còn phụ thuộc vào mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, việc tuân thủ giãn cách của người dân…
“Chúng ta phát hiện 48 trường hợp mắc COVID-19 nhờ những người này đi khám bệnh khi thấy có triệu chứng. Vậy còn bao nhiêu trường hợp như 48 trường hợp trên không ai trong chúng ta biết được. Do đó, việc giãn cách xã hội 14 ngày tiếp theo là điều cần thiết, vì những người âm thầm này sẽ len lỏi phát tán mầm bệnh”, ông Dũng chia sẻ.
Theo bác sĩ Dũng, điểm mới trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội tiếp theo là TP sẽ tập trung đẩy nhanh thời gian truy vết, xét nghiệm các ca nghi mắc COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
“Trong vòng 2 giờ khi xác định ca F0 phải truy vết được hết các ca F1 để lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly. Đặc biệt, trong vòng 6 đến 10 giờ phải có kết quả xét nghiệm các trường hợp F1”, ông Dũng cho biết.
Sở sĩ TP chọn thời gian giãn cách xã hội 2 tuần, theo ông Dũng là do thời gian ủ bệnh của vi rút SARS-CoV-2 là 14 ngày, đó là thời gian mà vi rút nhân lên. Vì vậy, nếu người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội sau 14 ngày thì khả năng lây lan là rất thấp.
Để đạt hiệu quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội ở 2 tuần tiếp theo, ông Hưng đề nghị người dân TP cần tuân thủ, hợp tác với chính quyền địa phương . Người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là mang khẩu trang, khử khuẩn…
Khi nắm bắt thông tin xuất hiện điểm dịch COVID-19, người dân nếu thấy mình đã từng đến nơi đó cần liên hệ ngay với các cơ quan y tế để khai báo y tế và thực hiện cách biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng khuyến cáo người dân trong 2 tuần tới, nếu thấy bệnh chưa cần thiết thì không nên đến cơ sở y tế; ghi lại lịch trình di duyển, tiếp xúc để giúp cơ quan y tế thuận lợi trong quá trình điều tra dịch tễ, nếu chẳng may phát hiện mắc COVID-19. “Người dân phải hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, vì giờ đây ai nhiễm bệnh cũng không thể biết qua cách nhìn”, bác sĩ Hưng nói.