Đó là nội dung mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đưa ra trong bản Báo cáo Động thái doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm 2021, được công bố ngày 2.9.

ĐBSCL: Ngành vận tải quá khó, giá vật liệu xây dựng tăng

Thanh Ngọc | 02/09/2021, 14:03

Đó là nội dung mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đưa ra trong bản Báo cáo Động thái doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm 2021, được công bố ngày 2.9.

Đây là báo cáo ngắn hạn, được xây dựng 6 tháng một lần. Báo cáo nhằm tổng hợp, ghi nhận và đánh giá các hoạt động kinh tế vùng, nhất là những chuyển động trong nền kinh tế, xu hướng đầu tư, năng lực kinh doanh của DN ở 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL.

Báo cáo được thực hiện từ tháng 7.2021, ngay giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, nên theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, các DN lo đối phó dịch nên phản hồi khá chậm, kéo dài ngày công bố báo cáo.

Mỗi tháng, 1.200 DN ngưng hoạt động, chỉ có 250 DN trở lại thị trường

Trong nhóm các DN mà VCCI chi nhánh Cần Thơ khảo sát, 35% DN cho rằng đã giảm lượng đơn hàng xuất khẩu do dịch bệnh phát sinh trong quý 2.2021, đã làm chuỗi logistics gãy đứt từ khu vực châu Á.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam - nhất là thủy sản bị ảnh hưởng bởi quy định kiểm soát chặt chẽ, tốn phí kiểm định hoặc như Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thủy sản tạm thời.

Hàng hóa xuất khẩu vùng ĐBSCL thông qua dịch vụ logistics chiếm 20% tại Tân Cảng Sài Gòn. Nhưng nhiều DN vùng ĐBSCL cũng như một số DN vùng miền khác tạm ngưng hoạt động do áp dụng Chỉ thị 16+ khiến cảng không còn nơi chứa container.

Việc thực hiện “3 tại chỗ” với 6.000 lao động của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tạo nên gánh nặng rất lớn mà chưa thể tính toán chi phí phát sinh, trong đó ùn ứ hàng hóa tại cảng là một chi phí lớn không riêng cho Tân Cảng Sài Gòn mà cả cho các DN.

Do bị giảm lượng hàng xuất khẩu và giảm giá bán nên có gần 16% DN tăng lượng hàng tồn kho, trên 11% DN phải giảm mua nguyên liệu đầu vào để tránh tăng chi phí hàng tồn.

Do vậy, 30% DN hoạt động cầm chừng so cùng kỳ; hơn 36% DN giảm số lao động làm việc. Với 1 DN thủy sản có khoảng 1.200 công nhân, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” vào khoảng 5 tỷ đồng/tháng.

Nông dân nuôi thủy sản cũng gánh chịu tổn thất vì DN ngưng thu mua nguyên liệu hoặc mua dưới giá thành. Tổng thiệt hại là không thể đo đếm.

Do đó trong quý 3.2021, dự báo có 13,8% DN sẽ giảm quy mô kinh doanh, 4% sẽ tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Những tháng qua, mỗi tháng có bình quân trên 1.100 DN rút khỏi thị trường, trong khi chỉ có 250 DN quay lại hoạt động.

Ngành vận tải đang phải chịu kiểm soát rất chặt chẽ. Các quy định chỉ đạo có sự khác biệt giữa các địa phương, thiếu đồng bộ trong thời gian hiệu lực của xét nghiệm gây lãng phí chi phí cho DN.

Còn ngành hàng không vốn đã đối mặt khó khăn vào năm 2020 từ khi xảy ra dịch bệnh. Do vậy, DN hàng không nhanh chóng chuyển đổi từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, ở ĐBSCL, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy vốn dĩ là phổ biến nên vận tải hàng không không thể nhanh chóng phục hồi nếu dịch bệnh chưa được khống chế.

Dịch COVID-19 và biến động giá vật liệu

Tiêu điểm trong 6 tháng đầu năm nay, VCCI cho rằng ngoài dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì chính là biến động giá vật liệu xây dựng!

75% DN cho biết, thời điểm đầu năm là mùa khô nên nhu cầu đầu tư kho bãi, sửa chữa nhà xưởng, các dự án đầu tư công gia tăng… dẫn đến nguồn cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Tuy nhiên, nguồn cung thép nhập khẩu thiếu hụt, những quy định về khai thác khoáng sản chặt chẽ hơn khiến giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Để đối phó, 27,8% DN tiến hành giải pháp tạm ngưng hợp đồng, 15,7% DN đàm phán lại về giá, 17,6% DN gia hạn hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân đầu tư công ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL khá chậm.

Chính vì thế, có đến 8 tỉnh thành vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng GRDP thấp hơn mức bình quân cả nước. Chỉ có Bạc Liêu đạt tăng trưởng GRDP cao nhất vùng với 7,17% so với cùng kỳ.

Trong đó, Bạc Liêu đạt tăng trưởng 10,91% ở khu vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn cùng kỳ và cao hơn 2 khu vực còn lại là nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ. Còn thấp nhất là tỉnh Cà Mau khi chỉ đạt tăng trưởng GRDP 1,52% so cùng kỳ. Nguyên nhân là khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,54% so cùng kỳ, ảnh hưởng bởi công nghiệp điện và khai thác khoáng sản giảm mạnh…

Các DN mong gì?

Theo các DN, điều mà họ mong muốn trước tiên lúc này là cần có sự thống nhất của các địa phương theo quy định của Chính phủ để không mất thời gian, chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19.

Những ngày qua, các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu không chấp nhận kết quả test trong 72 giờ mà yêu cầu cứ vào tỉnh là test, khiến DN vận tải rất khổ sở.

Thứ hai là cần ưu tiên tiêm ngừa vắc xin cho 100% người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo sản xuất liên tục. Tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý an tâm cho người lao động.

Thứ ba là việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại, đưa ra mô hình hoặc chính sách phù hợp hơn, để các DN trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Có thể cho phép DN thực hiện “2 tại chỗ”: sản xuất và ăn uống tại chỗ, hết giờ công nhân về nhà nghỉ ngơi. Trong qúa trình đi-về sử dụng giấy cam kết lộ trình di chuyển, không dừng đỗ dọc đường.

Ngân hàng cần có hành động cụ thể để hỗ trợ DN trong thời gian dịch bệnh giảm lãi suất khoản vay cũ, giúp tiến cận nguồn vốn mới để hỗ trợ.

Xem xét tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với các khoản vay, tạm thời khoanh nợ, nhất là không chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đối với các DN ảnh hưởng nặng bởi COVID-19. Đẩy nhanh tốc độ triển khai các chính sách hỗ trợ DN và người lao động.

Phải xác định giao thông, logistics cần thông thoáng, vừa đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch, vừa có chính sách hỗ trợ DN như chi phí test, cước tàu, phân luồn giao thông hợp lý…

Ngoài ra, để giúp sức các DN, cần có chính sách như gia hạn tiền thuê đất, giảm trừ chi phí lãi vay cho các DN vừa và nhỏ, điều tiết giá nguyên vật liệu, giảm các chi phí công ích và gia hạn thuế, BHXH trong giai đoạn khó khăn này.

 

Bài liên quan
TP.HCM: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh vận tải
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL: Ngành vận tải quá khó, giá vật liệu xây dựng tăng