ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực UBKHCN-MT cho rằng khoa học công nghệ vẫn chưa được coi trọng đúng với vị trí của lĩnh vực này. Chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và việc thực hiện chi ngân sách chưa đi vào thực chất và đạt hiệu quả như mong muốn.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Khoa học - công nghệ chưa được coi trọng đúng mức

08/10/2019, 10:44

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực UBKHCN-MT cho rằng khoa học công nghệ vẫn chưa được coi trọng đúng với vị trí của lĩnh vực này. Chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và việc thực hiện chi ngân sách chưa đi vào thực chất và đạt hiệu quả như mong muốn.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10 - Ảnh: VPQH

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 vừa diễn ra, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) của Quốc hội thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách khoa học và công nghệ năm 2019, dự kiến kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2020.

Bộ không nắm được dự toán chi cho KH-CN?

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Bùi Thế Duy cho biết, năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc, lên vị trí thứ 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế.

Theo ông Duy, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2019 đã được Quốc hội thông qua là 12.825 tỉ đồng (tăng 635 tỉ đồng so với năm 2018). Tính đến hết tháng 9.2019, Bộ KH-CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện là 12.796 tỉ đồng (đạt 99,76%) dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2019.

Báo cáo thẩm tra do Phó chủ nhiệm UBKHCN-MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh trình bày khẳng định, khoa học và công nghệ đã khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Hoạt động khoa học và công nghệ đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả.

Tuy nhiên, từ khi có Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ KH-CN về cơ bản nắm được số dự toán chi sự nghiệp và dự toán chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành thì cả hai Bộ KH-CN (thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ) và Bộ KH-ĐT (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê) hoàn toàn không nắm được dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, bởi vì nguồn vốn này đã được phân cấp mạnh.

Cùng với đó, quy định về việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc quản lý tài chính công, theo cơ chế hành chính, thủ tục phức tạp, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp chi cho khoa học và công nghệ.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ cho khối trung ương rất lớn nhưng đầu tư công cho khoa học và công nghệ mới chỉ đáp ứng được 35%. Còn vốn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ ở địa phương do Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định dẫn đến tình trạng sử dụng đôi khi chưa đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn.

Phó chủ nhiệm UBKHCN-MT Trần Văn Minh đề nghị Bộ cần có báo cáo tổng thể từ đầu nhiệm kỳ 2016 đến nay và cả kết quả năm 2019, có như vậy các đại biểu mới có đánh giá tổng quan, tổng thể quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ, từ đó mới có đóng góp, đề xuất những nhiệm vụ trong năm tiếp theo.

Về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ông Minh cho rằng, trong báo cáo chỉ nêu chung chung không nêu rõ số liệu thực hiện đến đâu, trong khi đó, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đối với nhiệm vụ khai thác tài sản trí tuệ, báo cáo cũng không nêu rõ kết quả thực hiện, chưa phân tích rõ thuận lợi khó khăn, nhất là khi tham gia các hiệp định FTA.

Chi ngân sách cho KH-CN chưa đáp ứng yêu cầu

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), nêu rằng, Bộ KH-CN không nắm được dự toán chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ của địa phương. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương cho năm sau và không đánh giá được hiệu quả thực hiện ngân sách như thế nào.

Ủy viên Thường trực UBKHCN-MT Nguyễn Thị Lệ Thủy phân tích, trong báo cáo chưa nêu về cơ chế đặt hàng đã được nhiều nhà khoa học phản ánh, nhưng vẫn khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính khi thực thi trong thực tiễn.

Theo bà Thủy, tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn còn chậm. Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới chỉ đạt 35% so với yêu cầu, nguyên nhân của tình trạng này là đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu ví dụ về hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia đầu tư số ngân sách lớn nhưng không đồng bộ, khiến việc khai thác sử dụng kém hiệu quả, chưa kể hàng năm tốn khoản kinh phí lớn để tiến hành bảo hành, sửa chữa những phòng thí nghiệm đã được đầu tư.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực UBKHCN-MT phân tích, khoa học công nghệ vẫn chưa được coi trọng đúng với vị trí của lĩnh vực này. Chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và việc thực hiện chi ngân sách chưa đi vào thực chất và đạt hiệu quả như mong muốn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, ngân sách dành cho lĩnh vực khoa học cho các địa phương hiện nay chủ yếu chi dành cho chi thường xuyên, chi cho công tác tuyên truyền, tư vấn khoa học công nghệ.

Theo ông Vĩnh, để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào khoa học công nghệ. Muốn vậy, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng được khung chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.

Chủ nhiệm UBKHCN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế hoạt động khoa học công nghệ những năm gần đây khá sôi động, 3 trường đại học lớn vào tốp 1.000, chỉ số đổi mới hoạt động sáng tạo tăng đáng kể...

Tuy nhiên, theo ông Dũng, để khoa học và công nghệ phát triển cần tháo gỡ cơ chế chính sách, cần liên kết kết quả nghiên cứu; tăng tính ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống và cần đánh giá hiệu quả khoa học công nghệ được đầu tư từ ngân sách nhà nước; đồng thời phân bổ nguồn vốn phù hợp, tránh dàn trải, kém hiệu quả.

Lam Thanh

Bài liên quan
VinFuture công bố Tuần lễ Khoa học công nghệ và lễ trao giải 2024
Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7.12.2024 tại Hà Nội. Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí, nghiên cứu môi trường… Đặc biệt, tâm điểm của chuỗi sự kiện là lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc, đang góp phần phụng sự cho cuộc sống con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Khoa học - công nghệ chưa được coi trọng đúng mức