Trước việc nhiều văn bản của cơ quan nhà nước ban hành ra rồi ngay lập tức phải thu hồi dưới sức ép của dư luận, đặc biệt là mạng xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định, áp lực của dư luận xã hội thông qua mạng xã hội là rất lớn và đây cũng là một công cụ giám sát, giúp thúc đẩy khuynh hướng phản biện.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: 'Mạng xã hội có thể thúc đẩy khuynh hướng phản biện'

Trí Lâm | 07/06/2017, 12:42

Trước việc nhiều văn bản của cơ quan nhà nước ban hành ra rồi ngay lập tức phải thu hồi dưới sức ép của dư luận, đặc biệt là mạng xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định, áp lực của dư luận xã hội thông qua mạng xã hội là rất lớn và đây cũng là một công cụ giám sát, giúp thúc đẩy khuynh hướng phản biện.

                    

Việc cơ quan chức năng đề nghị xử phạt những phát ngôn trái với quan điểm của mình không hiếm. Điển hình là việc Bộ VHTT-DL đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại một buổi hội thảo về Sơn Trà, hay Bộ Y tế cũng từng đề nghị xử lý phát ngôn của bà Phạm Khánh Phong Lan, khi đó là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khi phát ngôn về đấu thầu thuốc. Đáng nói, bà Lan khi đó phát biểu với vai trò của một đại biểu quốc hội.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Lan chia sẻ: “Thời điểm đó, những điều tôi phát biểu là dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Ông bà mình có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, người lãnh đạo thì phải biết lắng nghe, nhất là những ý kiến trái chiều.

“Nếu bảo nói cho thuận tai thì ai nói cũng được nhưng điều đó khiến cho lãnh đạo sa vào hào quang, tưởng mọi chuyện vẫn cứ tốt đẹp. Cái xấu vì thế cứ tích tụ lại mà không được giải quyết kịp thời, đến lúc nó bùng ra thì vô cùng nghiêm trọng”, bà Lan nói.

Vị này cũng nhấn mạnh: “Tôi phát biểu thời điểm đó với tư cách đại biểu quốc hội, nhưng dù cho không là đại biểu quốc hội thì tôi vẫn nói điều đó. Thực tế tôi vẫn thường xuyên báo cáo điều này trong ngành chứ không phải lúc đó mới nói”.

Chia sẻ ý kiến về những vụ việc của Bộ VHTT-DL vừa qua, bà Lan cho rằng cũng nên thông cảm, tuy nhiên, sự việc xảy ra xuất phát từ tâm lý không thích nghe những điều nói thẳng, nói thật. Nếu không muốn nghe thì còn tổ chức hội thảo làm gì?

“Tôi thấy đây là sự việc đáng tiếc và cơ chế phối hợp cần rõ ràng hơn. Việc trân trọng ý kiến phản biện, trái chiều sẽ giúp lãnh đạo có thêm dữ liệu, thông tin để xử lý vụ việc. Do đó không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính trong vấn đề này”, bà Lan nói.

Thời gian qua, nhiều văn bản của cơ quan nhà nước ban hành, khi gặp sức ép từ mạng xã hội đã phải rút lại. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu ngay từ đầu lãnh đạo trân trọng những ý kiến trái chiều thì đã không có những chuyện đó. Bất đồng quan điểm trong khoa học là điều bình thường, không có gì để giận dỗi nhau, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến.

“Áp lực của dư luận xã hội là rất lớn, mạng xã hội cũng là một công cụ giám sát, giúp thúc đẩy khuynh hướng phản biện với cơ quan nhà nước. Tất nhiên, mạng xã hội không phải lúc nào cũng chính xác, nhiều khi bị lợi dụng nhưng đây cũng là một kênh bày tỏ ý kiến hiệu quả của người dân”, bà Lan nói.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội độc lập, không do Bộ nào quản lý nên Bộ VHTT-DL không có quyền đưa ra quyết định yêu cầu ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng giải trình. Kể cả trong trường hợp Hiệp hội Du Lịch Đà Nẵng có thuộc quyền quản lý của Bộ VHTT-DL đi chăng nữa thì Bộ cũng không có quyền đưa ra quyết định này.

“Đây là một quyết định sai luật, sai lý và sai cả những ứng xử cơ bản nhất. Nếu như người ta xúc phạm, người ta nói cái gì sai trái với cá nhân nào đấy, ảnh hưởng đến lợi ích, cá nhân hay tổ chức nào đấy thì mới có quyền xem xét. Còn về mặt khoa học và chuyên môn mà người ta nói, kể cả là nói sai thì không có quyền yêu cầu xử lý nhắc nhở”, ông Đức nói.

Theo vị này, nếu không chấp nhận những phát ngôn trái chiều thì nên dẹp hết tất cả những cuộc họp đi, dẹp hết những hội thảo đi vì đã thảo luận, đã trao đổi thì phải trái chiều và nên chấp nhận những ý kiến trái chiều.

Cùng góc nhìn, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Huỳnh Vĩnh Ái ra công văn yêu cầu xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh khi phát biểu về Sơn Trà, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Tại sao với cương vị phụ trách lĩnh vực của mình, ông thứ trưởng không phản biện, tranh luận với các quan điểm đưa ra tại hội thảo mà lại dùng quyền lực để yêu cầu kiểm điểm người phát biểu? Khi người này lên tiếng, nếu cần, đại diện cơ quan quản lý nhà nước phải phản biện ngay để thấy cái đúng, cái sai chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý người ta được”, ông Vân nêu.

Thời gian gần đây, công tác điều hành của Bộ VHTT-DL có không ít lùm xùm, khiến dư luận phản ứng. Theo ông Vân, điều này thể hiện năng lực của bộ máy hiện tại rất đáng cảnh báo vì khó có thể đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ.

“Đây là hệ quả của việc sàng lọc, chọn không đúng người vào bộ máy. Theo tôi, cần sát hạch lại cán bộ công chức và đặc biệt đội ngũ lãnh đạo ở tất cả các cấp để có được một đội ngũ cán bộ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển”, ông Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ, mới đây nhất, trong vấn đề của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ VHTT-DL mà phải để Thủ tướng vào cuộc chỉ đạo, phải gọi điện thoại mới xử lý thì vấn đề năng lực bộ máy rất đáng bàn. Việc sử dụng con người không đúng tầm, người giữ cương vị làm không đúng vai thì mới xảy ra trường hợp đó. Theo đó, ông Vân cho rằng lãnh đạo Bộ cần phải sàng lọc để “chưng cất” được cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng xứng tầm với nhiệm vụ được giao…

Trước đó, ngày 2.6, Bộ VHTT-DL đã có văn bản gửi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với nội dung nêu rõ ngày 30.5.2017, tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu vực du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng được mời tham dự và trình bày các ý kiến nghị liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Mặc dù đã được chủ trì tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu những nội dung “thiếu chính xác”. Theo đó, Bộ VHTT-DL đề nghị Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng xem xét sự việc trên, đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VHTT-DL trước ngày 15.6.2017 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, ngày 4.6, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã chỉ đạo thu hồi văn bản yêu cầu kiểm điểm ông Huỳnh Tấn Vinh.

Hoài Phong

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: 'Mạng xã hội có thể thúc đẩy khuynh hướng phản biện'