ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua AVG là hồi chuông cảnh báo cho những ai tự thấy mình không đảm nhiệm được chức vụ thì nên rời bỏ chức vụ, nên nhường chỗ cho người tài đức hơn.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Qua vụ AVG, ai thấy mình không đủ tài đức thì nên từ chức

Trí Lâm | 15/03/2018, 13:45

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua AVG là hồi chuông cảnh báo cho những ai tự thấy mình không đảm nhiệm được chức vụ thì nên rời bỏ chức vụ, nên nhường chỗ cho người tài đức hơn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lê Thanh Vân - người đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn trước Quốc hội về thương vụ MobiFone mua AVG cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) có chất lượng khá cao. Kết luận này đã căn cứ vào thực tiễn, mô tả lại khách quan, đưa ra những căn cứ pháp lý để kết luận từng hành vi sai phạm cho từng cá nhân, bộ, ngành liên quan.

“Tôi đánh giá cao TTCP trong việc đẩy nhanh tiến độxử lý vụ việc này. Đặc biệt là tân Tổng TTCP Lê Minh Kháingay khi nhậm chức đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ công bố kết luận”, ông Vân nói.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng kết luận này sẽ hoàn thiện, thuyết phục hơn nếu đề cập được trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có liên quan đến những sai phạm mà thanh tra đã nêu. Bởi vì các bộ, ngành là các cơ quan hành chính nhà nước. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Hơn nữa, đây là vụ việc mà Ban Bí thư kết luận là “rất nghiêm trọng”, yêu cầu làm rõ đến đâu xử lý đến đấy, đúng người, đúng pháp luật. Do đó, càng cần phải làm rõ vai trò của người đứng đầu.

“Nếu xử lý đúng người đúng tộisẽ có tác dụng rất lớn trong việc xác định trách nhiệm của nhân sự được giới thiệu, đảm nhận cương vị lãnh đạo, quản lý ở các bộ chủ quản, các ngành liên quan”, ông Vân nhấn mạnh.

Qua sự việc này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đây được coi là bài học trong công tác chuẩn bị nhân sự chủ chốt, cũng là cách để khởi xướng văn hóa từ chức mà người dân đang mong mỏi.

“Nếu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân như kết luận thanh tra đã đề nghị cũng là một cách để cảnh báo cho những ai tự thấy mình tài hèn, sức mỏng, không đảm nhiệm được chức vụ đó thì nên rời bỏ chức vụ, nhường chỗ cho ngườitài đức hơn”, ông Vân nêu.

Cũng theo đại biểu này, dù những người đứng đầu đã nghỉ hưunhưng Đảng đã có văn bản quy định và vẫn có thể truy trách nhiệm cả khi về hưu. Điều này đã mở đường cho việc xử lý trách nhiệm khi về hưu, không thể trốn tránh được.

Về việc hàng loạt bộ, ngành có sai sót, thậm chí lạm quyền trong việc tham mưu, góp ý thương vụ MobiFone mua AVG, có nhiều ý kiến cho rằng luật pháp còn nhiều kẽ hở.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm: “Ngay trong phần kiến nghị, TTCP đã đề nghị phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Điều đó nói lên rằng các quy định pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quy định pháp luật hiện nay quá lỏng lẻo mà vấn đề còn nằm ở người thực thi. Sau sự việc này cần rút ra bài học để quản lý cho chặt hơn”.

“Điều quan trọng ở đây là việc sử dụng quyền lực của những người có trách nhiệm có vấn đề. Khi quyền lực được trao vào tay cá nhân sử dụng với mục đích khác nhau thì hậu quả khác nhau. Người ta có thể dùng quyền lực để bẻ cong sự thật, bóp méo pháp luật. Đó là ý chí chủ quan của họ. Đó chính là trách nhiệm cá nhân trong việc tham mưu dẫn đến sai sót này”, ông nhấn mạnh.

Văn phòng Chính phủ và 4 bộ có sai phạm

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã không hướng dẫn Bộ TT-TT và MobiFone thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Sau khi MobiFone đã ký hợp đồng và thanh toán 95% giá trị hợp đồng, ngày 22.1.2016 Bộ KH-ĐT có văn bản nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp với nhiều nguy cơ, rủi ro từ việc mua 95% cổ phần AVG trong khi MobiFone đang tiến hành cổ phần hóa: “ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa, giảm giá trị cổ phiếu MobiFone khi phát hành, trực tiếp làm giảm nguồn thu của Nhà nước…, Bộ TT-TT không có năng lực để thẩm định giá mua và chưa chắc chắn về hiệu quả đầu tư mua cổ phần AVG”… và đã “đề nghị dừng thực hiện dự án”.

Các ý kiến của Bộ KH-ĐT tại 2 văn bảnlà thiếu nhất quán; nội dung tại Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN không được đưa ra kịp thời khi đã có Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24.11.2015 gửi Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến về dự án đầu tư.

Bộ Tài chính không kịp thời đưa ra sự phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc MobiFone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần MobiFone.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã nhận thấy vấn đề trọng yếu của việc đầu tư dự án này, nhất là hiệu quả đầu tư và sự ảnh hưởng của việc đầu tư dự án làm giảm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của MobiFone ngay trong giai đoạn 2015-2017 và đã đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo MobiFone tiếp tục rà soát dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn thống nhất với đề xuất của Bộ TT-TT về chủ trương đầu tư dự án…

Đối với Văn phòng Chính phủ, mặc dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của luật Đầu tư; Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính; tổng hợp, phân tích, đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của AVG để phát triển dịch vụ truyền hình.

Mặt khác, Bộ TT-TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông MobiFone” nhưng Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14.12.2015 với nội dung: “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT-TT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật” là không đúng nội dung mà Bộ TT-TT đã đề nghị.

Bộ Công an có Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 8.12.2014, đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất. Việc MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ Công an đã thống nhất với Bộ TT-TT đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TT-TT với mức độ “MẬT” là chưa phù hợp.

Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản số 2889/BCA-A61 gửi Bộ TT-TT đánh giá quá trình, quy trình thực hiện dự án do Bộ TT-TT chỉ đạo là "thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án MobiFone đầu tư 8.898,3 tỉ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18.12.2015 của Bộ TT-TT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…"

Các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: Qua vụ AVG, ai thấy mình không đủ tài đức thì nên từ chức