“Cứ sáng đọc báo lại thấy một vụ bổ nhiệm với tốc độ “tên lửa” như thế thì rất đáng lo ngại. Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi đã vạch ra rất nhiều vấn đề, việc tiếp theo là cần mạnh tay làm thôi, nếu không thì hậu quả khôn lường” – Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh.

ĐBQH Lê Thanh Vân: ‘Lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ nghiêm trọng hơn tham nhũng’

Trí Lâm | 13/12/2016, 05:46

“Cứ sáng đọc báo lại thấy một vụ bổ nhiệm với tốc độ “tên lửa” như thế thì rất đáng lo ngại. Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi đã vạch ra rất nhiều vấn đề, việc tiếp theo là cần mạnh tay làm thôi, nếu không thì hậu quả khôn lường” – Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi làm Vụ phó Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhanh chóng một cách “bất thường” đang nóng dư luận thời gian gần đây, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, ở các nước khác, nhân vật chính trị trẻ tuổi cũng không phải hiếm nhưng họ có một nền tảng và kinh nghiệm chính trường cũng như chuyên môn rất vững chắc, thuyết phục được đông đảo công chúng.

Theo đại biểu này, trong trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng thì các thông tin cũng mới chỉ dừng ở việc biết nhiều ngoại ngữ, có nhiều bằng cấp và có đưa một số doanh nghiêp về tỉnh tìm hiểu đầu tư thôi chứ hiệu quả công việc thì chưa chứng minh được. Những khả năng này thì ngoài xã hội rất nhiều người có chứ không phải không. Cái khiến dư luận băn khoăn không phải trình độ ông Hoàng mà là việc bổ nhiệm nhanh một cách bất thường.

Ông Vân nêu băn khoăn, ông Hoàng được bổ nhiệm vào các vị trí này nhanh chóng một cách bất thường, trong khi thời gian làm việc ở tổ chức hầu như không có. Thậm chí một vụ phó như ông Hoàng mà có nhiều thành viên trong ban chỉ đạo còn không biết. Rồi một số lãnh đạo ban không họp để có ý kiến bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàngnhưng vẫn có tên trong biên bản. Khi lấy ý kiến thì nhiều người không biết nhưng vẫn có trong danh sách.

“Nếu nhân vật thực sự có tài, có năng lực đáp ứng đủ điều kiện công tác ở vị trí đó thì cũng nên qua thi tuyển đàng hoàng thì tính thuyết phục và uy tín sẽ cao hơn. Muốn thăng tiến cũng cần chứng tỏ bằng thành tích công tác thì sẽ hợp lý hơn” – ông Vân nói.

Muốn đánh giá khả năng của một ai đó cần phải có luật lệ hẳn hoi chứ không phải đánh giá chủ quan của một người nào đó. Bổ nhiệm phải qua thi tuyển, thi tuyển phải có luật lệ và minh bạch chứ không phải cảm nhận của ông A, ông B nào đó là người này giỏi, người kia giỏi, sau đó xảy ra chuyện gì thì không có ai chịu trách nhiệm.

Vị đại biểu này cho rằng, dư luận cũng nghi ngờ trường hợp bằng mối quan hệ nào đó mà việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng được tiến hành với tốc độ “tên lửa”. Cần phải có lời giải cho vấn đề này bởi vì dư luận rất bức xúc khi nhiều người tài khác ở ngoài xã hội, không có quan hệ, không có tiền bạc rất khó có được chỗ đứng trong các cơ quan này.

“Tình trạng bổ nhiệm con ông cháu cha, họ hàng trong thời gian qua không phải là hiếm, diễn biến phức tạp khiến dư luận bức xúc, lo ngại. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hệ thống quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nếu cứ tiếp tục thì nhiều hậu quả nặng nề hơn sẽ xảy ra” – đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Theo vị này, dư luận cũng không phải không có lý khi cho rằng việc bổ nhiệm vào những vị trí này chỉ là “trạm trung chuyển”, bước dọn đường cho con đường của họ sau này. Bằng lợi thế tiền bạc, quan hệ, nhiều người vòng vèo qua nhiều đường để chui sâu, luồn cao, điển hình là Trịnh Xuân Thanh. Nếu không có bảo kê, tiêu tực, che chắn của những người có thế lực thì làm sao có thể như vậy được?

Đại biểu này cũng đưa ra nhận định, hiện nay trong cơ quan Nhà nước rất hiếm có chuyện đi “săn đầu người”, đi đây đi đó xin người tài về cơ quan mình công tác. Việc săn đầu người là ở các doanh nghiệp chứ khu vực Nhà nước thì điều này rất hiếm hoi, rất khó tin.

“Người tài không thiếu, nhưng chúng ta chưa có cơ chế thu hút, sàng lọc, trọng dụng nhân tài thỏa đáng, như thế thì làm sao hệ thống chọn được người chân tài để giúp dân giúp nước được?” – ông Vân nói.

Cùng với đó, ông Lê Thanh Vâncho rằng, trách nhiệm cá nhân của những người đề cử, tiến cử, người bổ nhiệm cần phải rõ ràng. Nếu bổ nhiệm cán bộ không đúng thì người bổ nhiệm, cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm. Nhẹ thì xử hành chính, nặng thì xử lý hình sự.

“Luật đã có nhưng còn có nhiều lỏng lẻo. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm sai không có trách nhiệm gì. Phải coi việc lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ nghiêm trọng như tội tham nhũng. Tham nhũng quyền lực dẫn đến việc hư hỏng cán bộ, đẩy tổ chức vào thế khó khăn” – ông Vân nói.

Theo đại biểu này, hậu quả của việc tham nhũng, lạm dụng quyền lực để đưa những người thân quen, không xứng đáng vào hệ thống còn nguy hiểm hơn tham nhũng, gây ra những hậu quả khôn lường.Do đó, cần phải trừng trị nghiêm khắc hơn, xử lý nghiêm túc nhiều vụ việc cụ thể để dư luận biết được Đảng và Nhà nước rất nghiêm túc và quyết tâm trong công tác này. Phải lôi ra được những người bảo kê, xử lý hình sự mới được.

“Cứ sáng đọc báo lại thấy một vụ ông nọ ông kia được bổ nhiệm với tốc độ tên lửa như thế thì rất đáng lo ngại. Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi đã vạch ra rất nhiều vấn đề, việc tiếp theo là cần mạnh tay làm thôi, nếu không thì hậu quả khôn lường” – ông Vân nhấn mạnh.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân: ‘Lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ nghiêm trọng hơn tham nhũng’