ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng có rất nhiều vấn đề còn khuất tất và vi phạm của các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị liên quan Công ty Ngọc Hưng.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Còn nhiều khuất tất và vi phạm tố tụng trong vụ án gỗ trắc

Hoài Lam | 09/11/2022, 09:59

ĐBQH Hoàng Đức Thắng cho rằng có rất nhiều vấn đề còn khuất tất và vi phạm của các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị liên quan Công ty Ngọc Hưng.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu quan điểm liên quan đến vụ án gỗ trắc ở Công ty Ngọc Hưng.

Đang điều tra thì cơ quan tố tụng bán vật chứng

Theo ông Thắng, về bản chất vụ án, lô gỗ được nhập từ Lào và xuất qua Hồng Kông, tức là lô gỗ là tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp nhập bao nhiêu thì xuất bấy nhiêu.

Khi lô gỗ vào Việt Nam thì đã thực hiện đầy đủ các quy định về khai báo hải quan và di chuyển từ Quảng Trị vào thành phố Đà Nẵng, không có bất cứ hành vi nào có thể đưa thêm gỗ ở ngoài vào để có thể nói đây là có hành vi buôn lậu của doanh nghiệp.

Một điểm nữa là về pháp luật Việt Nam quy định khi doanh nghiệp nhập hàng hóa vào Việt Nam là khi hàng đến biên giới, còn lại cho rằng việc doanh nghiệp làm hồ sơ giả trên đất Lào là nơi thu gom hàng hóa để buộc tội cho doanh nghiệp là cố tình làm giả hồ sơ để buôn lậu gỗ thì điều này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.

Ông Thắng cho hay, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định là không có cơ sở cho rằng doanh nghiệp làm hồ sơ giả. Điểm nữa là doanh nghiệp buôn lậu với động cơ gì khi nhập nguyên lô gỗ nộp thuế bao nhiêu thì khi xuất lô gỗ đi rồi thì được hoàn thuế bấy nhiêu. Như thế thì rõ ràng là không có động cơ gì mà phải gian dối để cho rằng doanh nghiệp có động cơ vụ lợi hoặc trốn thuế được. 

Việc thứ hai, theo ông Thắng, một điều rất quan trọng  là vật chứng vụ án. Tuy nhiên, 553m3 gỗ theo tờ khai của doanh nghiệp đang trong quá trình điều tra thì các cơ quan tố tụng đã cho bán vật chứng vụ án.

thang.jpg
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

"Như vậy là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng hình sự và đây chính là điểm chốt của vụ án, khi có những tranh cãi về vấn đề doanh nghiệp có khai báo thừa hay thiếu khối lượng, có đúng chủng loại hay không thì không còn vật chứng vụ án để đem ra so sánh nữa. Bây giờ lấy căn cứ nào để chứng minh là hành vi vi phạm pháp luật của các bị can ở chỗ này?

Tôi cũng báo cáo Quốc hội, khi chúng tôi yêu cầu thì kể cả Bộ Công an và cả Viện kiểm sát đều trả lời với chúng tôi là việc bán vật chứng vụ án là hoàn toàn đúng pháp luật. Sau khi chúng tôi yêu cầu nhiều lần thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới thừa nhận việc bán vật chứng là vi phạm pháp luật và đã khởi tố vụ án, nhưng đến hôm nay chưa khởi tố bị can và vụ án bán vật chứng vi phạm pháp luật cũng chưa được xử lý”, ông Hoàng Đức Thắng cho hay.

Giám định tư pháp sai về hình thức

Một điểm nữa, theo ông Thắng, giám định tư pháp là căn cứ rất quan trọng để các cơ quan tố tụng căn cứ vào đó mà xử lý vụ án, nhưng giám định tư pháp sai về mặt hình thức.

“Tức là một cơ quan có chức năng giám định tư pháp nhưng họ không có chuyên môn để thực hiện giám định tư pháp, cùng với một cơ quan có chuyên môn nhưng không có tư cách pháp lý để thực hiện giám định tư pháp phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp này và cũng đưa ra 2 kết luận khác nhau. Như vậy là về mặt hình thức là sai, lẽ ra các cơ quan này phải từ chối yêu cầu giám định tư pháp này”, ông Thắng nêu.

Cũng theo ông Thắng, về mặt nội dung là sử dụng các phương pháp cân đo khối lượng để làm tăng khối lượng so với tờ khai ban đầu của doanh nghiệp, từ chỗ kết luận là có 23 khối, giám định lần 2 thì lên 78 khối.

Như vậy bản kết luận giám định tư pháp này không phù hợp cả về mặt hình thức, cả về mặt nội dung. Điều này đã làm cho bản chất vụ án bị đi theo một hướng khác và đó là căn cứ để kết luận các bị cáo và doanh nghiệp có hành vi buôn lậu.

Quốc hội nên thành lập một ủy ban giám sát để phân định vụ án

Ông Thắng  nhấn mạnh: “Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề còn khuất tất và vi phạm của các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vụ án này và chúng tôi đã báo cáo giám sát hai lần tại hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, cùng với các nghiên cứu khác chúng tôi đã báo cáo rất cụ thể. Rất đáng tiếc, hôm nay trong không gian này, chúng tôi không đủ thời gian để nói, nhưng tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải làm rõ”, ông thắng nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng mong muốn là Quốc hội cần phải thành lập một ủy ban giám sát. Nếu cần thì khởi động một điều khoản trong Luật Tổ chức Quốc hội về Ủy ban lâm thời của Quốc hội để giám sát, phân định, đánh giá lại vụ án này để chứng minh rằng việc phản ánh của đại biểu quốc hội, kiến nghị của cử tri và nhân dân, công luận là đúng hay sai. Việc các cơ quan tố tụng làm như vậy là sai hay đúng, để có một trả lời chính thức về vấn đề này.

binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Trước đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết lý do tại sao cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện kiểm sát truy tố về tội buôn lậu, bởi vì toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng này là hồ sơ giả, hợp đồng giả. Công ty bán gỗ bên Lào là không có thật, chữ ký giả, vận đơn giả. Ngoài ra, 3 giấy kiểm dịch thực vật thì được phía Lào cấp cho Công ty Tâm Tâm ở Đông Hà và Công ty 407 ở Vinh, không phải cấp cho công ty này. Việc thanh toán thì Bộ Công an cũng chứng minh là giả.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tương trợ tư pháp hình sự cho Viện kiểm sát tối cao Lào và Lào cũng khẳng định là công ty này không có thật. Trên cơ sở là nhập khẩu của bộ hồ sơ giả cho nên Bộ Công an và Viện kiểm sát kết luận là toàn bộ lô hàng này là hàng buôn lậu.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hồ sơ xuất khẩu cho công ty ở Hồng Kông cũng là hồ sơ giả, bởi vì theo lời khai của nhân viên Công ty Ngọc Hưng có một nhân vật mang 2 tờ giấy vào có chữ ký, đóng dấu của công ty với công ty của Hồng Kông, có chữ ký, đóng dấu sẵn của người ký hợp đồng này.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Interpol Hồng Kông xác minh. Kết quả xác minh công ty này không có ông đấy và không ký hồ sơ này. Đấy là việc hồ sơ nhập giả, hồ sơ xuất cũng giả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Còn nhiều khuất tất và vi phạm tố tụng trong vụ án gỗ trắc