Trung tướng Đặng Quân Thụy nói những người lính như ông vẫn còn một nỗi day dứt là những người đồng đội, những người lính đã hy sinh để đổi lấy cuộc sống hòa bình như hôm nay, sau 40 năm vẫn còn nằm lại trên chiến trường.

Day dứt vì hàng ngàn liệt sĩ vẫn nằm lại trên các đỉnh núi Vị Xuyên

Thanh Niên | 17/02/2019, 14:40

Trung tướng Đặng Quân Thụy nói những người lính như ông vẫn còn một nỗi day dứt là những người đồng đội, những người lính đã hy sinh để đổi lấy cuộc sống hòa bình như hôm nay, sau 40 năm vẫn còn nằm lại trên chiến trường.

Những vị tướng từng lăn lộn trên những mặt trận ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc trong suốt 10 năm nói rằng sau 40 năm, điều họ day dứt khôn nguôi là hàng ngàn liệt sĩ - những đồng đội của họ vẫn đang nằm lại trên các đỉnh núi, chưa thể về cùng anh em.

Nhắc về cuộc chiến không phải để khơi dậy hận thù

Trung tướng Đặng Quân Thụy năm nay đã 91 tuổi. Là người đi qua tất cả các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc trong thế kỷ 20, người trực tiếp chỉ huy mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm. Song khi được hỏi, vị tướng già nói rằng giờ đây ông không muốn nói nhiều về chuyện chiến đấu nữa mà muốn nói nhiều hơn về chuyện hòa bình.

Ông Thụy nói cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc đã trải qua 40 năm, một giai đoạn lịch sử đã qua và giờ đây tình hình cũng đã có nhiều đổi mới. Chúng ta phải nhắc về cuộc chiến tranh, nhưng không phải để khơi dậy hận thù mà để chỉ ra những gì còn tồn tại, đối với những người đã nằm xuống, đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và ngay cả đối với những người đang sống. Rồi vị tướng 91 tuổi hào hứng kể về sự thay đổi mà “mình không ngờ được” của đời sống nhân dân các tỉnh biên giới phía bắc sau 40 năm chiến tranh mà ông có dịp chứng kiến hoặc nghe kể, từ Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai cho tới Lạng Sơn.

“Như Lào Cai hay Lạng Sơn là đổi mới hoàn toàn. Khi quân Trung Quốc tiến công, cả một thị xã Lào Cai đã trở thành bình địa, thế mà nay đã trở thành một thành phố sầm uất. Hay Lạng Sơn trước kia đường sá dân sinh bị địch phá hủy thì giờ cũng thành đường cao tốc cả rồi. Ngay như Hà Tuyên là nơi cuộc chiến đấu 5 năm liền (1984 - 1989) rất ác liệt cũng đổi mới và phát triển rất nhanh, kinh tế và đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt”, tướng Thụy kể rồi nói thêm rằng phải nhìn thấy sự thay đổi đó mới thấy được sự nỗ lực, sức sáng tạo của nhân dân để xây dựng cuộc sống và giá trị của một cuộc sống hòa bình, ổn định.

Nỗi day dứt 40 năm

Giọng trầm xuống, trung tướng Đặng Quân Thụy nói những người lính như ông vẫn còn một nỗi day dứt ấy là những người đồng đội, những người lính đã hy sinh để đổi lấy cuộc sống hòa bình như hôm nay, sau 40 năm vẫn còn nằm lại trên chiến trường.

Ông Thụy cho biết trong cuộc chiến đấu kéo dài suốt 10 năm, chúng ta tổn thất trên dưới 10.000 chiến sĩ. Chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên trong 5 năm ác liệt nhất đã có gần 5.000 chiến sĩ hy sinh. Tuy nhiên, tới nay chúng ta mới chỉ quy tập được 1.700 hài cốt các liệt sĩ, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm lại trên mặt trận Vị Xuyên ác liệt, chưa thể quy tập được.

Ông nói việc tìm kiếm những liệt sĩ ở Vị Xuyên rất khó khăn vì địa hình, địa thế nơi đây đặc biệt hiểm trở. Thêm nữa, trong những năm tháng chiến đấu tại nơi đây, ta cũng như phía Trung Quốc gài rất nhiều mìn. Cuộc chiến đấu giành giật với nhau từng cao điểm, nên hài cốt những người hy sinh lẫn cả vào mìn. Vì vậy, để quy tập được hài cốt các liệt sĩ thì trước hết phải gỡ được mìn rồi mới đi dò từng người một. Nhưng việc này không hề đơn giản, vì nếu không cẩn thận thì việc đi quy tập hài cốt đồng đội có thể có thêm nhiều thương vong.

Nhưng theo nguyên Tư lệnh tiền phương mặt trận Vị Xuyên thì khó khăn nhất chính là công tác tổ chức. “Trước kia, trong một thời gian dài, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ chủ yếu do các anh em đơn vị tự tổ chức. Tới năm ngoái, theo đề nghị của Ban Liên lạc mặt trận Vị Xuyên, Bộ Quốc phòng đã thành lập hẳn một đội quy tập chính thức, giao cho Quân khu 2 tổ chức, cung cấp nhân lực, vật lực và kinh phí để thực hiện việc quy tập”, trung tướng Đặng Quân Thụy nói và cho biết thêm việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ ở Vị Xuyên từ năm ngoái, tới nay đã có những kết quả tích cực.

Từng chỉ huy Trung đoàn 568 chiến đấu 2 năm (1985 - 1986) tại mặt trận Vị Xuyên, thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, cũng nói rằng điều ông cảm thấy day dứt, trăn trở cho tới ngày nay là những đồng đội của mình vẫn còn nằm lại trên các đỉnh núi, các hang đá ở Vị Xuyên.

“Tôi đã từng vuốt mắt cho hàng chục đồng đội của mình nên rất thấm thía. Có những người mình biết rõ anh em còn nằm trên ấy mà bất lực, không biết làm thế nào. Cái day dứt ấy dai dẳng và đeo bám tôi khôn nguôi”, thiếu tướng Lê Mã Lương xúc động nói.

Theo Tư An (Thanh Niên)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Day dứt vì hàng ngàn liệt sĩ vẫn nằm lại trên các đỉnh núi Vị Xuyên