Trong khi các cháu thiếu nhi đang trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) phải học tại nhiều điểm trường khác nhau trong thôn thì công trình xây dựng trường mầm non cấp xã được đầu tư hàng tỷ đồng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay và trở thành nơi nuôi vịt, thả gà… của người dân.

Đầu tư hàng tỉ đồng xây trường mầm non rồi bỏ hoang

Một Thế Giới | 23/04/2015, 14:07

Trong khi các cháu thiếu nhi đang trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) phải học tại nhiều điểm trường khác nhau trong thôn thì công trình xây dựng trường mầm non cấp xã được đầu tư hàng tỷ đồng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay và trở thành nơi nuôi vịt, thả gà… của người dân.

Trường mầm non cấp xã thuộc xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu được khởi công từ 4 năm trước với mong ước sẽ là môi trường học tập tốt nhất cho toàn bộ các cháu trong độ tuổi mẫu giáo trong địa bàn xã. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, công trình mới hoàn thành được một dãy nhà hiệu bộ còn lại tất cả các hạng mục khác đều chưa được xây dựng.

Địa điểm được chọn xây dựng công trình là khu đất nằm ngay đằng sau trụ sở UBND xã, đối diện với trạm y tế xã.
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, khu trường có 4 mặt thì 2 mặt được bao bọc bởi tường rào, một mặt là công ty TNHH Thành Phát án ngữ, còn một mặt là một xưởng gỗ. Để vào được bên trong ngôi trường, phóng viên phải xin đi nhờ qua xưởng gỗ.
Một khung cảnh hoang hóa hiện lên. Dãy nhà tầng kiên cố 2 tầng sơn màu vàng mọc lên giữa những bụi cỏ um tùm. Bên ngoài ngôi nhà, nhiều chỗ sơn đã bị bong tróc. Cửa các phòng đều được khóa trái. Bên trong các phòng đều chưa có thiết bị học tập nào.
truong-mam-non-xa-Song-Phuong-hinh-anh-1
 Các phòng của dãy nhà hiệu bộ trường mầm non xã Song Phương đều khóa trái cửa.
Dưới hành lang ngôi nhà, nhiều viên gạch đã bị bong bóc, cong vênh hẳn lên và bụi phủ bám một lớp khá dày. Nhiều chỗ phân thỏ vương vãi, bốc mùi xú uế hôi thôi do trước đó người dân có nuôi nhốt thỏ ở đây nhưng sau khi di chuyển không quét dọn cẩn thận. Phòng vệ sinh tầng một đã được lát gạch men trắng nhưng biến thành nơi chứa các thứ linh tinh như chai lọ, bao tải, thang, xe cải tiến...
truong-mam-non-xa-Song-Phuong-hinh-anh-2
 Nhà vệ sinh tầng 1 trở thành kho chứa đồ của người dân.
Bác Nguyễn Văn Cúc, chủ xưởng sản xuất gỗ nằm trong khu đất của trường mầm non cho biết, năm 2013, bác thuê đất của xã ở gần đình chùa để sản xuất nhưng do người dân tiến hành tu sửa đình chùa nên bác được xã phân về mở xưởng tạm ở đây. Khi mới về mở xưởng, ngôi nhà hiệu bộ 2 tầng đã xây xong.
“Lúc mới về, cỏ cao ngập đầu người. Tôi phải vất vả dọn dẹp nhiều ngày để làm xưởng. Xã phân về thì tôi về thôi. Khi nào, công trình tiếp tục được xây dựng thì tôi lại chuyển xưởng đi chỗ khác”, bác Cúc cho biết.
truong-mam-non-xa-Song-Phuong-hinh-anh-3
 Cỏ dại mọc um tùm bên ngoài dãy nhà.
Hiện tại, ngoài diện tích nhà xưởng, bác Cúc vẫn sử dụng những diện tích đất còn lại để nuôi thỏ, thả gà, vịt, trồng cây ăn quả… “Đất để không chưa xây dựng thì phí nên tôi tận dụng để trồng cây, thả gà, vịt… cải thiện thêm cuộc sống”, bác Cúc nói.
truong-mam-non-xa-Song-Phuong-hinh-anh-4
 Đàn vịt bơi tung tăng trong khuôn viên đất của trường mầm non xã Song Phương.
Án ngữ trước mặt ngôi nhà hiệu bộ 2 tầng là xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thành Phát. Theo quan sát của phóng viên, xưởng sản xuất được quây bằng tôn bên ngoài. Bên trong, tiếng máy hoạt động chạy rầm rầm. Các cửa quạt thông gió, cống xả thải của xưởng sản xuất được mở chảy thẳng ra khu đất phía sau trường học. Chất thải từ xưởng sản xuất này chảy lênh láng, nhớp nhúa, bốc mùi rất hôi thối.
Theo như bác Cúc chia sẻ với phóng viên, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thành Phát chuyên sản xuất các loài thùng các tông. Nước thải chảy ra khu đất là nước hòa bột sắn làm hồ của công ty để dán các lớp của thùng lại với nhau.
truong-mam-non-xa-Song-Phuong-hinh-anh-5
 Nước thải cảu công ty TNHH Thành Phát xả ra khu đất trường bốc mùi hôi thối.
Để làm rõ vấn đề này, PV đã tìm gặp lãnh đạo xã Song Phương 2 lần nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Lần thứ nhất, với lý do bận họp nên các lãnh đạo xã từ chối tiếp. Lần thứ 2, phóng viên tìm gặp được chủ tịch UBND xã Song Phương – ông Long Thanh Bé thì ông này cũng lấy lý do là bận làm việc nên ủy quyền cho vị Phó Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, khi phóng viên đợi gặp thì vị Phó Chủ tịch này lại cho người lên báo là bận họp. 

Phóng viên đã tìm gặp đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức. Vị đại diện này cho biết, việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, UBND huyện đã giao cho UBND xã Song Phương thực hiện. Vì có một phần mặt bằng đã được giải phóng, trong khi UBND xã Song Phương cam kết là sẽ sớm bàn giao nốt diện tích mặt bằng còn lại để triển khai xây dựng dự án công trình trường mầm non Song Phương tập trung, UBND huyện Hoài Đức mới cho khởi công xây dựng công trình nhà hiệu bộ trước. 

Tuy nhiên, đến khi công trình nhà hiệu bộ hoàn thành (cuối năm 2010 với kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 5 tỉ đồng) nhưng vẫn chưa có mặt bằng để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình khác của dự án nên đành dừng lại.

Mặc dù công trình nhà hiệu bộ nằm trong dự án đã được nghiệm thu và thanh quyết toán, nhưng đã hơn 4 năm trôi qua mà UBND xã Song Phương vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để thực hiện xây dựng nốt các công trình còn lại của dự án.

Vị đại diện này cũng thừa nhận rằng, việc công trình xây dựng dang dở và chưa đi vào hoạt động gây nên sự lãng phí không đáng có.

Được biết, khu đất chưa giải phóng được mặt bằng là đất công, trước đây do HTX Nông nghiệp Phương Viên ký hợp đồng cho Công ty TNHH Thành Phát thuê làm xưởng sản xuất với thời hạn 4 năm (từ 1.9.2006 đến 1.9.2010); diện tích thuê hơn 1.540m2. Tuy nhiên, thời hạn hợp đồng đã hết từ lâu, nhưng không hiểu lý do gì mà UBND xã Song Phương chưa giải phóng xong mặt bằng?

Người dân xã Song Phương đang rất mong nhận được câu trả lời từ phía chính quyền. Đồng thời, người dân cũng mong dự án sớm được xây dựng và đi vào hoạt động để con em họ có thể có được một môi trường học tập tốt hơn.

Triệu Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư hàng tỉ đồng xây trường mầm non rồi bỏ hoang