Núi Cấm, miếu Bà chúa xứ An Giang là những điểm du lịch tâm linh có thể không mới với nhiều người, nhưng với anh bạn tôi lần đầu đi điểm du lịch này.

Đầu năm đến núi Cấm, viếng miếu Bà chúa xứ An Giang

Tô Văn | 05/02/2022, 20:15

Núi Cấm, miếu Bà chúa xứ An Giang là những điểm du lịch tâm linh có thể không mới với nhiều người, nhưng với anh bạn tôi lần đầu đi điểm du lịch này.

Sáng 4.2 (nhằm mùng 4 Tết), chúng tôi khởi hành từ Long Xuyên hướng về TP.Châu Đốc, Tịnh Biên để đến núi Cấm và viếng miếu Bà chúa xứ. 

Điểm tâm linh nổi tiếng

Trước khi đi TP.Châu Đốc, Tịnh Biên, tôi đã giới thiệu sơ lược cho anh bạn tôi - đến từ Cà Mau - 2 địa chỉ tâm linh nổi tiếng đó là miếu bà chúa Xứ và núi Cấm... Khi nghe xong anh bảo rằng nôn nao đến đó tham quan và chiêm bái.

2-ba-chua-xu.jpg
Miếu Bà Chúa xứ địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất An Giang - Ảnh: Tô Văn

Miếu bà Chúa xứ tọa lạc dưới chân Núi Sam (thuộc phường Núi Sam, TP.Châu Đốc). Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự linh thiêng và ứng nghiệm, cầu được ước thấy.

Vào mỗi dịp Tết đến, miếu Bà chúa xứ lại thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương. Họ đến để thắp hương, cầu nguyện về một năm mới ấm no, hạnh phúc. Miếu Bà chúa xứ Núi Sam thể hiện rõ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà miếu Bà chúa xứ mỗi năm thu hút hơn 3 triệu Phật tử, du khách từ các nơi đổ về hành hương, cúng bái cầu bình an, may mắn, tài lộc.

Có du khách kể lại rằng, khi làm ăn họ không gặp vận, gặp thời. Người đó cúng bái khắp nơi, sau này nghe lời đồn, ông đã cất công từ Đà Nẵng bay vào Nam và viếng miếu Bà chúa xứ. Và từ đó thời vận ông kéo về không thể hơn được. Từ đó hàng năm, ông đều đến đây trả lễ. 

1-ba-chua-xu.jpg
Tượng Bà Chúa Xứ được đặt trang nghiêm trong khu chánh điện - Ảnh: Tô Văn

Khi chúng tôi đến, miếu Bà chúa xứ đã đông nghẹt người từ ngoài vào trong để được chiêm bái, cúng viếng. Có điều “lạ” khiến anh bạn tôi bất ngờ khi thấy hàng trăm người không vào được đành đứng từ xa cúng bái Bà. Sau đó, nhiều người còn xin lộc Bà để cầu may mắn bình an cho gia đình.

Sau khi chiêm bái xong, tôi dẫn anh bạn dạo một vòng quanh các tuyến đường xung quanh miếu Bà... Những hàng mắm, khô đủ loại được trưng trước mắt. Tiếng mời gọi í ới khiến anh bạn tôi không khỏi rời mắt… Tuy nhiên, việc chèo kéo mua nhang, đèn không còn như những năm về trước.

Và tôi càng có “chứng cứ” khẳng định rằng việc lãnh đạo địa phương đã vào cuộc tấn công triệt để những cái xấu, những việc “chặt chém” với du khách khi đến đây.

Một sạp khô mắm ở tuyến đường vào miếu Bà bày la liệt, khô mắm các loại. Khi anh bạn tôi ghé mắt vào nhìn và loay hoay không biết mua món nào thì bà chủ sạp tướng phốp pháp đã đon đả mời chào. Anh bạn tôi sau đó chọn một ký mắm ruột Bà giáo Khỏe với giá đúng tấm biển đã treo tại sạp. Trả tiền xong, bà bán luôn miệng “Cảm ơn, chúc quý khách thượng lộ bình an”.

Những "bóng hồng" xe ôm dưới chân núi Cấm

Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn (tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa, núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm và mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.

2-nui-cam-.jpg
Núi Cấm có rất nhiều điểm tham quan, chiêm bái - Ảnh: Tô Văn

Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.

Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm… Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ” với nhiều câu chuyện thì giờ đây núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên.

Núi Cấm đẹp nhất vào mùa xuân, vì cảnh đẹp khi ấy mới đầy đủ: cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xum xuê. Các hồ núi cao buổi sáng sớm sương trắng giăng đầy, buổi trưa nắng vàng, buổi chiều tối mây là đà bay và đêm thì tiết trời se lạnh.

Núi Cấm có rất nhiều điểm tham quan, cúng viếng nhưng nằm khá xa chân núi, đoạn đường dốc khó đi nên để đến được những nơi này, du khách cần đi cáp treo, thuê xe ôm. Nhu cầu lên núi chiêm bái ngày một nhiều và nghề chạy xe ôm cũng xuất hiện.

3-xe-om.jpg
Những bóng hồng xe ôm trên núi Cấm - Ảnh: Tô Văn

Hôm đi núi Cấm, tôi và anh bạn quyết định thuê xe ôm - một loại hình xe gắn máy có 1 người làm tài xế. Khi đi xe ôm nó vừa thoáng, vừa không gây say lại ngắm được cả phong cảnh núi non. Hơn nữa giá của nó cũng khá rẻ. Nhưng chuyện đó là thường. Vấn đề nó là ở chỗ này…

… Đường lên đỉnh núi trong ngày 4.2 (nhằm mùng 4 Tết), người càng đông, hai "bóng hồng" tài xế xe ôm da hơi ngăm đón chúng tôi dưới chân núi. Lúc xe đang phóng với tốc độ khá cao, hai tài xế lại lái một tay, miệng cười khằng khặc, nói rõ to trong tiếng gió: “Ôm chặt nhé anh, khúc này cua và dốc và nguy hiểm lắm”.

Vừa dứt lời, hai tài xế bắt đầu giảm ga, chân đạp cần trả số liên tục để trườn theo những đoạn dốc đứng, hẹp và quanh co. Chúng tôi hét và ôm vào hông làm hai tài xế khoái chí cười toáng.

Mãi đến lúc lên tới đỉnh núi, mọi người mới thở phào: Giờ mới chắc là mình không gặp tai nạn.

Du lịch An Giang đang phục hồi và đạt kết quả tích cực

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, cho biết hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 bắt đầu phục hồi và đạt kết quả tích cực.

“Trong năm 2022, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư đổi mới diện mạo điểm đến, chỉnh trang cơ sở vật chất, thiết kế tiểu cảnh kết hợp dịch vụ ẩm thực đa dạng để thu hút du khách tham quan, chụp ảnh. Chính vì thế, các địa điểm tham quan ghi nhận lượng khách tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa điểm mới cũng thu hút đông đảo khách đến như như điểm tham quan điện mặt trời An Hảo, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn. Các điểm thu hút nhiều khách tham quan nổi bật là Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp thông tin thêm, khi lượng khách tăng nên kéo theo nguồn thu từ vé tham quan và kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống tại các địa điểm tham quan cũng tăng 67% (ước đạt 20 tỉ đồng); hoạt động lưu trú du lịch cũng rất tích cực với hơn 4.000 lượt khách sử dụng dịch vụ, tăng 99%, công suất phòng ước đạt 60%.

“Sở luôn yêu cầu, hướng dẫn các địa điểm tham quan du lịch thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Hiệp khẳng định.

Theo thống kê nhanh của Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang trong năm ngày nghỉ tết (từ ngày 30.1 đến ngày 3.2) lượng khách đến tham quan tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm tham quan, giải trí trên địa bàn tỉnh ước đạt 316.000 lượt (tăng 58%) so với dịp Tết Nguyên đán năm 2021.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu năm đến núi Cấm, viếng miếu Bà chúa xứ An Giang