Mỗi năm, cuối mùa xuân, vào tháng 3 âm lịch là mùa lễ hội ở Buôn Đôn. Xứ sở của thần Ngoach Ngoal cai quản đàn voi náo nhiệt hơn thường ngày bởi Lễ hội đua voi hoành tráng bậc nhất Tây Nguyên.

Mùa Xuân trên thánh địa Voi ở Việt Nam

theo báo Đắk Lắk | 01/02/2022, 10:44

Mỗi năm, cuối mùa xuân, vào tháng 3 âm lịch là mùa lễ hội ở Buôn Đôn. Xứ sở của thần Ngoach Ngoal cai quản đàn voi náo nhiệt hơn thường ngày bởi Lễ hội đua voi hoành tráng bậc nhất Tây Nguyên.

Sông Sêrêpốk được xem như nguồn sống và linh hồn của vùng đất Buôn Đôn nổi tiếng. Con sông hùng vĩ chảy miên man qua rừng già Yok Đôn, mang lại màu xanh mênh mông cho những cánh rừng khộp, rừng le và đồng cỏ. Thiên nhiên quả là hào phóng và bằng cách đó đã tạo ra môi trường sống khá lý tưởng cho loài vật to lớn nhất đại ngàn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Tấn Vịnh, tác giả của luận án “Con voi trong đời sống của người M’nông”, Buôn Đôn xưa kia là tâm điểm của vùng sinh thái rộng lớn bao gồm nhiều quốc gia lân cận trong khu vực. Nhờ đó, nghề săn bắt voi rừng ở đây đã đạt đến sự hưng thịnh, trở thành trung tâm mua bán voi lớn nhất ở Đông Dương.

Tái hiện cảnh săn bắt voi rừng ở Buôn Đôn. Ảnh: Vạn Tiếp

Chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà gỗ trên trăm tuổi là nơi ở của Ama Kông lúc còn sống. Già Ama Kông là cây đại thụ trong làng gru ở Buôn Đôn và gru là danh hiệu cao quý, chỉ dành riêng cho những người săn voi dũng cảm. Trong ngôi nhà cổ này, Ama Kông cho chúng tôi biết, ông chỉ là người thừa kế. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là Y Thu - cậu của Ama Kông theo chế độ mẫu hệ. Y Thu từng là gru nổi tiếng nhất vùng Buôn Đôn với tài nghệ và lòng dũng cảm không ai sánh bằng. Chuyện kể rằng, Y Thu đã bắt được cả voi trắng đem tặng vua Thái Lan và được vua Thái phong danh hiệu Vua voi Khunjunốp, nghĩa là người được tất cả mọi người kính trọng. Tất cả những ai từng đến Buôn Đôn đều biết khu lăng mộ vua voi Y Thu Khunjunốp. Có lẽ đây là lăng mộ duy nhất dành cho một người mà tên tuổi gắn liền với nghề săn bắt voi rừng. Y Thu Khunjunốp đã là huyền thoại sống, tiếng tăm ông vượt khỏi Buôn Đôn đến cả những vùng xa xôi và quốc gia khác trong khu vực.

Không ít nơi trên thế giới có nghề săn voi nhưng chỉ ở Buôn Đôn người ta mới săn bắt voi bằng các loại dây thừng làm từ da trâu hoặc mây rừng. Khi gặp đàn voi rừng, gru dùng voi nhà đuổi đánh và chia lẻ đàn voi, dùng thòng lọng trói các chân sau đó dẫn về. Công việc săn voi được thực hiện bằng sức mạnh, sự quả cảm và mưu trí của các gru. Chỉ một số dòng họ ở Buôn Đôn sản sinh ra các gru giỏi giang và dòng họ Ama Kông là một trong số đó.

Voi rừng sau khi thuần hóa trở thành voi nhà được xem như tài sản quý giá nhất đối với cư dân bản địa. Lịch sử giao thương mua bán giữa các tộc người trên Tây Nguyên ngày xưa cho thấy đơn vị hàng hóa, trao đổi lớn nhất chính là voi, sánh ngang bằng với các loại chiêng ché cổ. Người nào sở hữu nhiều voi chắc chắn là người có của cải và quyền lực đối với cộng đồng.

Ở khu rừng khộp trên dãy Chư Min, các nài voi đã chỉ cho chúng tôi những thân cây dùng để lấy vỏ. Từ loại vỏ cây này, họ tước ra, đập và bện thành những chiếc áo dành cho gru, những tấm lót trên bành voi và cả các loại dây thừng dùng vào những công việc khác nhau trong hành trình chinh phục voi rừng. Những vật dụng này rất bền, có thể khuất phục được loài vật to lớn nhất chốn rừng xanh song lại mềm dẻo không làm những con voi rừng khi bắt được bị tổn thương. Hẳn nhiên, nếu lành lặn, những con voi rừng sau khi săn về sẽ dễ dàng thuần hóa và bảo tồn được sức mạnh bản năng.

Nhiều truyền thuyết, huyền thoại của người M’nông kể rằng, từ xưa lắm, giữa voi và người có mối quan hệ gần gũi. Từ sợi dây tâm linh này mà loài voi khi về sống với con người luôn được xem là thành viên bình đẳng. Những nghi lễ của vòng đời người như lễ đặt tên, lễ nhập buôn, lễ trưởng thành, thậm chí cả lễ cưới đều được tiến hành đối với voi nhà. Người M’nông tin rằng đàn voi luôn được vị thần Ngoach Ngoal cai quản. Khi thực hiện những nghi lễ liên quan đến voi, người ta thường bắt đầu bằng bài hát có nội dung cầu xin vị thần này rộng lượng, chăn dắt và bảo ban đàn voi: “Ơ Thần Ngoach Ngoal, tôi cúng thần một con gà! Ơ thần Ngoach Ngoal, tôi cúng thần một con heo. Cầu xin thần cho voi đừng đau ốm, cầu xin thần cho voi luôn siêng năng. Cầu cho voi mọc ngà nhanh như thổi, cầu cho voi sống lâu với chủ”.

Là tôi tớ của thần Ngoach Ngoal hùng mạnh được xem như linh hồn đại ngàn, voi trở thành vật thiêng trong tín ngưỡng của người M’nông. Ngoài những điều cấm kỵ gần gũi với totem giáo thờ linh vật thì hình ảnh con voi hay cặp ngà voi có mặt trong rất nhiều các công trình kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt đối với tượng nhà mồ. Mô típ trang trí này gần như tiêu biểu cho phong cách tượng nhà mồ ở Buôn Đôn, độc đáo và khác lạ so với các vùng miền khác ở Tây Nguyên.

Nhiều người ví von rằng nếu lịch sử Tây Nguyên là một cuốn sách thì trong đó phải có hẳn một chương dành riêng cho voi và nghề săn bắt voi rừng. Không đâu xa, thời Pháp thuộc, những ghi chép về Tây Nguyên luôn có những chi tiết về số lượng voi mua bán hằng năm. Chẳng hạn, trong một tài liệu của Besnard, 10 năm cuối thế kỷ 19, khu vực Buôn Đôn đã bán tất thảy 161 con voi sang các nước, tiền thuế thu được hơn 34.000 đồng tiền Đông Dương, tương đương với 86.000 Frăng Pháp.

Ama Trái là một trong những gru cùng thế hệ với Ama Kông. Nhớ rừng, nhớ nghề, thỉnh thoảng ông lại dẫn các nài voi lên núi Yok Đôn hoặc Chư Min để được sống lại cảm giác của một thời tung hoành ngang dọc. Ông nói với chúng tôi rằng, lớp nài voi trẻ ở Buôn Đôn bây giờ chỉ biết điều khiển voi nhà đã thuần dưỡng. Nghĩa là nghề săn voi rừng chỉ còn lại trong các câu chuyện và những huyền thoại về các gru, vị thần Ngoach Ngoal chăn dắt đàn voi cũng dần mất đi ánh hào quang.

Không ít người tự hỏi rằng nếu thiếu đi những hình ảnh ấn tượng của lễ hội đua voi thì có còn một Tây Nguyên kỳ vĩ, một Buôn Đôn được mệnh danh là xứ sở của Thần Ngoach Ngoal?

Phạm Xuân Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa Xuân trên thánh địa Voi ở Việt Nam