Người chồng nhẫn tâm bỏ rơi mẹ con chị khi chị vừa sinh con. Một mình chị nuôi đứa con trai bị bệnh tan máu bẩm sinh trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu trăm bề. Bản thân chị cũng bị u bao hoạt dịch trong khi chị còn phải chăm sóc bố bị ung thư đại tràng. Một Thế Giới đã đến tận nơi và chứng kiến...
Đó là hoàn cảnh bi đát của chị Ngô Thị Hồng (1987) sống tại tổ 13, phường Thủy Dương (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).
Thân cò lặn lội nuôi con
PV Một Thế Giới đến nhà của chị Ngô Thị Hồng sau khi nhận được điện thoại kêu cứu của chị về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi đầu tiên đó là một căn nhà lụp xụp, liêu xiêu được dựng tạm bợ với diện tích khoảng chừng 10m2, xung quanh nhà được che lợp bằng mấy tấm tôn mỏng và ván vụn, bên trong chỉ có một chiếc giường và cái quạt điện đang chạy xoành xoạch bị gỉ rét.
Chị Hồng dáng người nhỏ thó, khuôn mặt gầy gò, hóc hác, đôi mắt thâm quầng. Chị rươm rướm nước mắt khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cay đắng của mình. Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nên khi lớn lên, chị Hồng và những người bạn cùng trang lứa trong làng rủ nhau vào miền Nam tìm việc làm.
Sau một thời gian dài lặn lội xin việc, chị được tuyển vào làm công nhân ở một công ty sản xuất giày da. Chị cố gắng dành dụm, tích cóp để gửi tiền về cho bố mẹ già ở quê. Con gái đang lứa tuổi thanh xuân nên chị được nhiều chàng trai trong công ty để ý.
Duyên số đã đưa đẩy chị Hồng kết duyên với anh T. quê Quảng Nam làm cùng công ty. Hai người làm đám cưới đúng nghi thức và sinh được một thằng cu kháu khỉnh, bụ bẫm. Ông bà nội ngoại đều vui sướng khi nghe được tin có cháu trai. Vợ chồng anh chị vui sướng khôn cùng và tự nhủ cùng nhau chăm chỉ làm việc để nuôi con.
Cháu Phạm Thành Duy (sinh năm 2007), con trai chị Hồng từ khi sinh ra đã đau ốm liên tục, người xanh xao, suy kiệt. Đến tháng thứ 3, chị Hồng đem con đi khám thì được bác sỹ chẩn đoán cháu đã bị căn bệnh tan máu bẩm sinh (tên khoa học là Thalassemia) quái ác hành hạ từ khi mới sinh ra.
Người mắc loại bệnh này phải thay máu thường xuyên. Nếu truyền máu 3-4 lần / tuần thì có thể làm giảm bớt những biến chứng của bệnh như suy tim, suy thận hay xốp xương nhưng khi truyền máu quá nhiều thì chất sắt sẽ ứ đọng và dư thừa trong cơ thể, gây hại cho gan và tim. Một số ít trường hợp có thể chữa được bằng phương pháp thay tủy nhưng con số này không lớn.
"Bác sỹ nói rằng nếu sau này sinh tiếp thì vẫn có khả năng đứa trẻ sẻ bị bệnh này do gen di truyền của bố mẹ. Khi nghe bác sỹ nói như vậy, chồng tôi đã khăn gói vào miền Nam và mất tích từ đó cho đến nay không một lời thăm hỏi. Anh ấy nói vào nhà thu xếp công việc rồi sẻ ra ngay với mẹ con tôi. Mẹ con tôi chờ mãi mà không thấy tin tức gì cả" - Chị Hồng sụt sùi trong nước mắt.
Cháu Duy bị phát bệnh từ khi 3 tháng tuổi, tính đến nay đã hơn 7 năm trời. Ban đầu, cứ vài tháng chị Hồng đưa cháu lên bệnh viện một lần. Sau đó, cứ mỗi tháng cháu phải có mặt trên bệnh viện Trung ương Huế - TP. Huế vài lần để truyền máu, điều trị bệnh. Chị Hồng kéo ngăn tủ ra và đặt lên bàn một xấp giấy tờ dày cộp chứa đầy hóa đơn xuất nhập viện, đơn thuốc và cả trên thẻ bảo hiểm y tế cũng đã gián kính số thứ tự đánh dấu số lần làm thủ tục nhập viện.
Tôi bất giác rùng mình khi thấy mớ giấy tờ đều có tên bệnh nhân Phạm Thành Duy. Chúng tôi không khỏi xót xa cho cháu Duy khi phải chịu cảnh đọa đày về thể xác.
Ban đầu, chị Hồng chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa bệnh cho cháu. Nhưng vì nhà nghèo lấy đâu ra tiền để thuốc men cho cháu được mãi. Đã bao đêm chị nằm ôm con mà không cầm được nước mắt. Cháu Duy là niềm hi vọng lớn nhất của cuộc đời chị, những tưởng cháu sẽ lớn lên khỏe mạnh, bình thường. Thế mà giờ đây...
Không thể đứng yên nhìn cháu mình bị hành hạ bởi bệnh tật nên bà Hạnh (mẹ chị Hồng) đã đem sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đi thế chấp vay tiền ngân hàng để có tiền chạy chữa cho cháu.
Có lần, không mượn ra tiền nên bà với con gái đánh liều để cháu ở nhà gần 1 tháng. "Cháu nó đau đớn, rên la ghê lắm, sau đó nhờ một người quen có lòng hảo tâm cho tôi mượn tiền nên mới đưa cháu đi viện kịp. Muộn thêm tí nữa là mất thằng cháu rồi", bà nói.
Khi nghe xong lời của bà Hạnh rồi nhìn sang cháu Duy, tự nhiên trong lòng chúng tôi trào dâng một niềm xót xa vô hạn.
Họa vô đơn chí
Ngồi trò chuyện với chị Hồng cả buổi nhưng tôi chưa hề thấy được nụ cười trên môi người mẹ trẻ này mà chỉ thấy những giọt nước mắt lăn dài kèm theo những câu nói tuyệt vọng.
Ánh mắt chị buồn bã khi nhìn về phía cháu Duy: "Con tôi còn nhỏ quá, có biết gì về bệnh tật đâu. Mỗi lần lên bệnh viện là nó lại nói "con đau lắm mẹ à! Mẹ đừng đưa con lên bệnh viện mãi như thế" làm tôi rơi nước mắt. Thà ông trời bắt tôi đau ốm bệnh tật gì thì tôi cũng chịu chứ sao lại một đứa trẻ chịu bệnh tật như vậy".
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Cách đây không lâu, ông Ngô Văn Thuận (59 tuổi) -bố của chị Hồng phải lên bệnh viện phẩu thuật nối ruột hai lần vì bị ung thư đại tràng. Hiện tại, ông Thuận nằm liệt giường, không đi lại được. Ngay cả sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ đến vợ con giúp đỡ.
Trần Trung Giang
Địa chỉ của chị Ngô Thị Hồng chị Ngô Thị Hồng: tổ 13, phường Thủy Dương (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế); điện thoại 01654319116