“Khi các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giảm thấp có thể tạo ra tình trạng “ru ngủ” các nhà quản lý nợ của quốc gia, dẫn đến tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các mục đích khác nhau. Từ đó sẽ đẩy cao nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài, tạo ra sự giảm sút quản lý…”, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính.
Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa tiến hành đánh giá lại quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017. Theo kết quả đánh giá, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu trước đó.
Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỉ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo đó cũng tăng lên ngưỡng 3.000 USD thay vì con số 2.590 USD như trước đó.
GDP sau điều chỉnh tăng 25,4% vẫn còn thấp
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tổ chức rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ.
Hơn nữa, do đặc điểm của nền kinh tế chuyển đổi, trong nhiều năm qua có nhiều hình thức kinh doanh phát sinh như các hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát như cắt tóc, trà đá… hoạt động kinh tế tự sản xuất, tự tiêu dùng của các hộ gia đình và hàng loạt các hoạt động kinh tế khác bị bỏ sót chưa được đưa vào thống kê GDP.
“Việc chưa đưa các số liệu của khu vực này vào biên soạn số liệu GDP đang làm sai lệch cơ cấu đóng góp của các khu vực kinh tế trong GDP”, ông Thịnh nói.
Cũng theo chuyên gia này, hàng năm khi điều tra mẫu thống kê không có thông tin của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý. Tuy nhiên, khi thực hiện tổng điều tra, theo quyết định do Thủ tướng ban hành, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải thực hiện điều tra và gửi Tổng cục Thống kê để tổng hợp.
Ông Thịnh nhận định, thực tế, từ nhiều năm qua, sau cải cách mở cửa, rất nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã chủ động đi vào sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống cơ cấu bộ máy thống kê không bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Việc xem xét, rà soát các mẫu thống kê thường chậm, bỏ sót nhiều chủ thế trong nền kinh tế và thiếu tính toàn diện, kịp thời.
Số liệu thống kê về tăng trưởng GDP giữa các Cục thống kê các Tỉnh, thành phố và các số liệu thông kê của Tổng cục thống kê không sát đúng, thiếu tính liên thông. Các số liệu tăng trưởng của các địa phương, Bộ, ngành thường cao hơn nhiều so với số liệu của Tổng cục Thống kê.
“Với nhiều cơ sở khác nhau, nhiều nhà kinh tế cho rằng, số liệu thống kê về GDP bị bỏ sót, chưa được thống kê đầy đủ có thể lên tới 35%-38% GDP hàng năm. Chính vì vậy, sự thay đổi điều chỉnh tăng thêm GDP ở mức 25,4% là vẫn thấp so với thực tế”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, việc thay đổi GDP là thống kê, hạch toán chưa đầy đủ nền kinh tế thời gian qua sẽ ảnh hưởng lớn tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tính trên GDP.
Trước hết, nếu xem xét tỷ lệ nợ công năm 2019 là 56,1% GDP, nợ Chính phủ là 49,2% GDP, nợ nước ngoài là 45,8% thì theo GDP mới sẽ chỉ còn tương ứng 44,74%; 39, 24% và 36,52% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018 là 3,54%, chỉ số lạm phát cơ bản là 1,48% tương ứng chỉ còn 2,82% và 1,18%; năm 2019 là 2,78% và 1,98% chỉ còn 2,21% và 1,58% GDP.
Đặc biệt, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước năm 2018 là 25,7% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí là 21,1% GDP tương ứng sẽ còn 20,5% và 16,8%; năm 2019 tỷ lệ huy động GDP là 24,4% và từ thuế phí là 21% tương ứng với mức 19,46% và 16,8%.
“Những con số này cho thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế những năm qua tốt hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, cần có nhận thức đúng để có chiến lược, chính sách phù hợp, tránh những hành động chủ quan gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng đang rất tốt của nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Mối lo “ru ngủ” nhà quản lý
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giảm thấp có thể tạo ra tình trạng “ru ngủ” các nhà quản lý nợ của quốc gia tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các mục đích khác nhau. Từ đó sẽ đẩy cao nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài, tạo ra sự giảm sút quản lý, tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, gia tăng tình trạng thất thoát, tham nhũng.
Các chỉ số về giá tiêu dùng CPI và chỉ số lạm phát cơ bản giảm thấp đi cũng dễ làm cơ chế quản lý giá cả, quản lý tài chính - tiền tệ, quản lý thị trường bị buông lỏng. Điều này kết hợp với những biến động về tỷ giá hối đoái, về giá cả một số mặt hàng trong nền kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới có thể đẩy lạm phát quay trở lại, đẩy lùi các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, theo ông Thịnh, tỷ lệ huy động GDP và tỷ lệ động viên từ thuế, phí vào NSNN theo GDP tính lại tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đòi hỏi phải đẩy mạnh công cuộc cải cách chính sách động viên nguồn thu và chính sách thuế, phí đối với nền kinh tế cho phù hợp với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Tất nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, khi GDP tăng thêm, sức mạnh của các khu vực kinh tế thay đổi, GDP bình quân đầu người cũng tăng thêm trên danh nghĩa, khả năng chi tiêu của từng cá nhân cũng cần được các doanh nghiệp trong nền kinh tế đưa vào các biến số tính toán để hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đây có thể là cơ hội tiếp tục thúc đẩy gia tăng nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế.
Theo đó, với việc đánh giá lại GDP, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thay đổi theo chiều hướng tốt lên sẽ là sức hút mới với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam năm 2020 và các năm tiếp sau có thể sẽ có những bước tăng trưởng đột phá mới, góp phần tạo ra động lực mới cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Lam Thanh