Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 15.7 dẫn nguồn thạo tin và xin giấu tên, nêu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘xử kỷ luật’ đối thủ của đệ tử trung thành của ông.

Đằng sau việc thay bí thư Thành ủy Trùng Khánh

16/07/2017, 13:15

Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 15.7 dẫn nguồn thạo tin và xin giấu tên, nêu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘xử kỷ luật’ đối thủ của đệ tử trung thành của ông.

Ông Trần Mẫn Nhĩ ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình-Ảnh Getty Images

Người bị ông Tập loại trừ là Tôn Chánh Tài, người mới chỉ làm bí thư thành ủy Trùng Khánh được 3 năm.

Nguồn tin giấu tên nói, trong một cuộc họp vội vàng ngày 15.7 các quan chức Trùng Khánh tuyên bố vị bí thư bị thay thế và bị điều tra.

Nếu nguồn tin là chính xác, đây sẽ là cuộc điều tra đầu tiên đối với một ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đương nhiệm, tính từ sau vụ “ngã ngựa” năm 2012 của Bạc Hy Lai, vị cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã bị khai trừ đảng và bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền.

Nguồn tin khác xác nhận có cuộc điều tra Tôn nhưng cả hai nguồn tin không cho biết thêm chi tiết.

Giới truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin ông Tôn bị thay, không cho biết lý do hoặc dùng chữ “bị điều tra”, cũng không nói chức vụ sắp tới của ông Tôn.

WSJ nêu ông Tôn, 53 tuổi, là một trong 2 ủy viên trẻ tuổi nhất trong Bộ Chính trị CPC và là một ngôi sao đang lên, trước thềm cuộc thay đổi nhân sự lãnh đạo cốt cán ở Đại hội Đảng khóa 19 vào mùa thu năm nay.

Đại hội CPC tổ chức 5 năm một lần, năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tín nhiệm ông Tập làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thêm 5 năm.

Theo WSJ, đây là thời điểm để ông Tập củng cố quyền lực, cơ cấu người thân cận vào hàng ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc, gồm 25 người được chọn vào Bộ Chính trị, và 7 người vào Ban thường vụ Bộ Chính trị CPC.

Theo Tân Hoa Xã, ngoài ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn trụ lại cho đến hết nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, còn 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu.

Một số nguồn tin trong CPC nói ông Tập cũng cố gắng chặn đường thăng tiến của bất kỳ ai có thể là người kế nhiệm tiềm năng, như ông Tôn được cho là có thể lọt vào Ban thường vụ Bộ Chính trị hoặc thậm chí sẽ kế nhiệm ông Tập.

Ủy viên Bộ Chính trị trẻ thứ hai tròn tuổi 50, sau ông Tôn, là Hồ Xuân Hoa, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.

Ông Tôn Chánh Tài mất chức bí thư Trùng Khánh

Vắng họp, không được nêu tên trên TV là ‘dấu hiệu bất thường’

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuộc họp bàn giao nhiệm vụ có sự chủ trì của ông Triệu Lạc Tế, Trưởng ban Tổ chức trung ương CPC.

Ông Triệu nói Đảng đã đặt câu hỏi về ông Tôn, nhưng không nói chi tiết là về điều gì, theo nguồn tin của WSJ.

Ông Tôn vắng ở cuộc họp này, và không xuất hiện trên bản tin thời sự của đài truyền hình trung ương CCTV, đưa tin về hội nghị công tác tài chính quốc gia, vốn diễn ra trong hai ngày ở Bắc Kinh và bế mạc ngày 15.7.

Hội nghị có mặt tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, vắng ông Tôn và 2 vị khác đang đi công tác nước ngoài.

Các nhà phân tích và nguồn tin nói: việc ông Tôn vắng mặt ở cuộc họp bàn giao nhiệm vụ bí thư là dấu hiệu ông “bị tắm nóng”.

Ông Trần Đạo Ấn, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật Thượng Hải (Trung Quốc) nói ông Tôn có thể gặp rắc rối, do tên ông không được nhắc tới trong cuộc họp chuyển giao quyền lực:

“Thường thì qui trình chuẩn cuộc họp này là tổng kết hoạt động của người tiền nhiệm, rồi người kế nhiệm cảm ơn người tiền nhiệm”.

Ông Trần nói việc giám đốc sở công an Trùng Khánh Hà Đỉnh bị điều tra, cùng việc Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương đảng (CCDI) ‘soi’ kỹ Trùng Khánh đã làm tiêu tan sự nghiệp của Tôn.

Nhưng nhà bình luận Chương Lập Phàm nói: Riêng lời phê bình “Trùng Khánh chưa quét sạch tầm ảnh hưởng độc hại của Bạc Hy Lai-Vương Chí Quân” của CCDI không thể giật sập đường quan lộ của Tôn:

“Ông ấy có thể lãnh một chức nhẹ, nhưng đấy không phải lý do hạ bệ vì ông ta không phạm lỗi lớn nào. Và bất kỳ quyết định nào cũng cần tính đến chuyện phải giữ uy tín cho Ôn Gia Bảo”.

Vài nhà phân tích nói ông Tôn có “đàn anh” ủng hộ là cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Dưới thời ông Ôn Gia Bảo, ông Tôn là Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc.

Giáo sư Willy Lam ở Đại học Hồng Kông nói: “Việc ông Tôn vắng mặt ở cuộc họp bàn giao nhiệm vụ là rất bất thường, là dấu hiệu chỉ rõ ông ta gặp rắc rối. Việc dẹp Tôn có thể giúp ông Tập củng cố quyền lực trước khi tái cơ cấu nhân sự. Đây cũng là cách khác để chứng tỏ ông Tập hoàn toàn kiểm soát cuộc chơi thừa kế ngôi vị”.

Ông Tập chỉ tin đệ tử trung thành

Người thay thế ông Tôn ở ghế bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh là Trần Mẫn Nhĩ, bí thư tỉnh ủy Quý Châu, người được cho là người thân tín của ông Tập, và cũng là một ngôi sao trẻ đang lên trong hàng ngũ nhân sự cấp cao của CPC.

Tại cuộc họp bàn giao nhiệm vụ vắng ông Tôn, ông Trần chỉ đạo nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn thể cán bộ đảng viên Trùng Khánh là phải “bảo vệ” vai trò “lãnh đạo cốt lõi” của ông Tập.

Ông kêu gọi cán bộ địa phương phải “nhất trí cao,đoàn kết cùng lãnh đạo trung ương đảng với đồng chí Tập Cận Bình là lãnh đạo cốt lõi”.

Hồi tháng 4, ông Tập đã trúng cử đại biểu đảng ủy Quý Châu đi dự Đại hội Đảng khóa 19, sau gần 10 năm ông là đại biểu tỉnh Thượng Hải.

Đến tháng 6, Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn cũng đến Quý Châu, nói chuyện duy trì vai trò “lãnh đạo cốt lõi” của ông Tập, nhấn mạnh công tác chuẩn bị “của người trồng rừng đối với môi trường sinh thái chính trị” nhằm chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 19.

Các nhà phân tích và các nguồn tin trong CPC nói với WSJ: Việc ông Trần thay ông Tôn sẽ mở đường cho ông Trần trở thành một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị. Ông Trần hiện là một trong 205 ủy viên Ban chấp hành trung ương CPC.

Các nguồn tin có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc cho Reuters biết: Bí thư Trần có thể “nhảy thẳng” vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, điều cho thấy quyền lực của ông Tập rất lớn, có thể chọn người trung thành vào chức vụ cao để tuyệt đối làm theo chỉ đạo của ông, và ông sẽ gạt bỏ người của những bè phái đối thủ.

Ông Trần người Chiết Giang, 56 tuổi, từng là lãnh đạo cơ quan tuyên giáo khi ông Tập là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007.

Ở vai trò này, ông Trần thường cho đăng các bài viết của ông Tập trên báo tỉnh. Đã có hơn 200 bài xã luận được in thành sách, được xem là cội nguồn cho các tư tưởng chính trị của ông Tập.

Ông Trần được đánh giá là người rất trung thành với ông Tập. Năm 2013, ngay sau khi ông Tập kiêm chức Chủ tịch nước, ông Trần được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lên làm bí thư tỉnh ủy Quý Châu từ năm 2015.

Giáo sư Lôi Cường thuộc khoa chính trị ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Ông Tập đứng chung với Trần, người đã tích cực xóa nghèo và gặt hái được những kết quả ở một trong những chương trình làm việc của ông Tập. Ông ấy có thể được xem là người của ông Tập, ủng hộ các chủ trương của ông Tập”.

Một nguồn tin khác thân chính quyền Trùng Khánh, nói hai ông Tôn-Trần biết nhau, vì cùng học một trường ở tỉnh Sơn Đông.

Sân khấu chính trị Trùng Khánh nhiều mối họa

Trùng Khánh có gần 30 triệu dân, nằm trên 1.400 km2 đất, là một thành phố phát triển kinh tế cực nhanh, và là một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương, bên cạnh Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân.

Nhưng Trùng Khánh cũng là một sân khấu chính trị đầy bi kịch: vợ cựu bí thư thành ủy Bạc Hy Lai là Cốc Lai Lai cũng bị tuyên án tù, về tội chủ mưu giết doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Giám đốc Sở công an Trùng Khánh, Vương Chí Quân bị dính líu những hoạt động của vợ chồng ông Bạc, đã từng có lúc xin tị nạn trong lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô nhưng thất bại.

Hà Đỉnh là người thay Vương làm thủ trưởng sở công an, rồi cũng bị điều tra năm 2013. Một nguồn tin thân cận công an Trùng Khánh nói nhiều cán bộ cũng lãnh hậu quả từ việc Hà Đỉnh bị “ngã ngựa”.

Ông Hà Đỉnh cũng bị mất chức giám đốc sở công an Trùng Khánh

Sau khi Bạc bay chức, ông Tôn được chọn làm bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Ông Tập cũng từng hết lời khen ông Tôn, nhân chuyến thăm Trùng Khánh đầu năm ngoái. Khi kiểm tra dự án đường sắt và cảng - trong chương trình Một Vành Đai-Một con đường kết nối Á-Âu do ông Tập khởi xướng - ông Tập đứng cạnh ông Tôn, nói: “Nơi này đầy hứa hẹn”.

Nhưng qua tháng 2, CCDI đã khẳng định Trùng Khánh chưa quét sạch “tầm ảnh hưởng độc hại của Bạc-Vương”.

Đến tháng 6, giới truyền thông nhà nước đưa tin Hà Đỉnh bị cách chức giám đốc sở công an Trùng Khánh.

Hồi tháng 6.2015, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị CPC Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân. Chu là cán bộ cấp cao nhất bị buộc tội tham nhũng trong lịch sử CPC, được cho là “ông anh” của Bạc Hy Lai.

Cho đến năm 2012, Chu hãy còn nhiều quyền lực ở ngành công an, kiểm sát và tòa án. Ông ta có nhiều “đệ tử” và trợ lý cũ, và Chu cũng từng là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị cùng ông Tập, trước khi Chu nghỉ hưu và ông Tập lên làm Tổng bí thư CPC hồi năm 2012.

Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc thay bí thư Thành ủy Trùng Khánh