Tạp chí Politico đưa tin đảng Dân chủ chuẩn bị kiểm soát Hạ viện Mỹ, ngăn Tổng thống Donald Trump tiến hành chiến lược hạt nhân quá khích của mình.
Đảng Dân chủ dự kiến cắt nguồn kinh phí chi cho kế hoạch mở rộng kho vũ khí nguyên tử, bao gồm phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa và bom hạt nhân kích thước nhỏ mới, mà ông Trump theo đuổi. Họ cũng sẽ gây khó dễ cho nỗ lực thoát khỏi những hiệp ước kiểm soát vũ khí ký với Nga, thậm chí giảm quyền hạn của nhà lãnh đạo Washington trong việc ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Gánh vác trọng trách này là Adam Smith, nghị sĩ được cho là sắp trở thành người lãnh đạo Ủy ban Quân vụ của Hạ viện. Cơ quan này có trách nhiệm xây dựng chính sách quốc phòng thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA).
Nghị sĩ Smith lâu nay luôn chỉ trích kế hoạch nâng cấp bộ ba hạt nhân (tên lửa phóng từ đất liền - tàu ngầm - máy bay ném bom) của Tổng thống Trump lẫn của người tiền nhiệm Barack Obama. Ông mới đây đã nói rõ điều chỉnh chiến lược hạt nhân quốc gia là một trong những ưu tiên.
“Tôi nghĩ lý do để bộ ba hạt nhân cùng số lượng lớn vũ khí hạt nhân tồn tại không còn nữa”, nghị sĩ Smith nói với tổ chức Ploughshares Fund.
Các nhóm ủng hộ kiểm soát - giải trừ vũ khí như Ploughshares Fund xem việc ông Smith ngồi vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Hạ viện là cơ hội tạo ra một cách tiếp cận hợp lý hơn với vũ khí hạt nhân, giảm nguy cơ xung đột toàn cầu.
Theo Joe Cirincione, người đứng đầu Ploughshares Fund: “Tôi chưa từng thấy Chủ tịch (Ủy ban Quân vụ của Hạ viện) nào đặt ưu tiên cao, có chuyên môn về chính sách hạt nhân và cam kết thay đổi mạnh mẽ như ông ấy”.
“Tôi biết một Hạ viện do Dân chủ kiểm soát sẽ có tác động lớn đến chính sách hạt nhân. Đó là 'sức mạnh của việc nói không'- ngăn chặn, cắt tài trợ, giữ lại các thỏa thuận. Dân chủ không ban hành được chính sách mới nhưng có thể buộc các bên thỏa hiệp”, ông Cirincione cho hay.
Điều cần làm đầu tiên là đình chỉ hoặc trì hoãn công tác phát triển bom hạt nhân mới có sức công phá yếu hơn loại truyền thống mà chính quyền Trump đề cập trong báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR- Nuclear Posture Review).
Những người ủng hộ cho rằng vũ khí này đem lại thêm phương án quân sự cũng như tăng khả năng răn đe các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên. Một quả bom hạt nhân sức công phá yếu không đủ sức phá hủy cả một thành phố nhưng tiêu diệt được một đội quân, đối thủ có lý do lo sợ Mỹ dùng nó để tấn công phủ đầu.
Nghị sĩ Smith phản bác lại: “Đây sẽ chỉ khơi mào cho chạy đua vũ trang, ai cũng chế tạo vũ khí hạt nhân khiến chúng ta ở vào thế nguy hiểm hơn”. Các nghị sĩ Dân chủ có kế hoạch khôi phục một đạo luật chặn chương trình phát triển bom hạt nhân từng được đề xuất trước đó.
Ngoài ra, họ cũng để mắt đến một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng đang được phát triển nhằm đóng vai trò của một vũ khí trong bộ ba hạt nhân tương lai. Hệ thống GBSD dự kiến thay thế những tên lửa được triển khai ở nhiều tiểu bang miền tây lúc này.
Mieke Eoyang, cựu trợ lý Ủy ban Tình báo của Thượng viện, nhận định tình hình tài chính của Lầu Năm Góc buộc họ phải lựa chọn và trọng tâm sẽ là ICBM. Tranh cãi chủ yếu xoay quanh chi phí cho chế tạo tên lửa mới.
Một vài nhà chỉ trích lập luận ICBM không còn hữu dụng. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry thì tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất là vũ khí dễ xảy ra sai lầm nhất trong bộ ba hạt nhân, nên chỉ cần hai vũ khí còn lại là đủ khả năng răn đe.
Việc bỏ đi một trong ba sẽ không dễ khi những nhà thầu quốc phòng luôn có ảnh hưởng lớn và phe ủng hộ họ trong cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cũng đông đảo. Do đó Hạ viện Mỹ nên theo đuổi các biện pháp tái định hình chính sách hạt nhân khác, đặc biệt là tái áp dụng quy định “không sử dụng đầu tiên” (No First Use- quốc gia hạt nhân cam kết không dùng vũ khí hạt nhân như phương tiện chiến tranh, trừ phi phía kẻ địch dùng vũ khí hạt nhân tấn công trước) hoặc đảm bảo Tổng thống không thể ra lệnh sử dụng hạt nhân khi Quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh.
Tổng thống Trump mới đây ngỏ ý rút Mỹ khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF), tuy nhiên giới chỉ trích đánh giá thỏa thuận này vẫn đáng để cứu vớt. Trên mặt trận này, đảng Dân chủ có thể buộc chính quyền Washington cắt giảm kế hoạch phát triển tên lửa hành trình.
Một mối lo nữa là New Start (Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Mỹ - Nga) hết hạn vào năm 2021. Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ, cho biết: “Nếu chính quyền Washington dọa không gia hạn New Start thì đảng Dân chủ cũng không có nghĩa vụ cấp tiền cho những yêu cầu phát triển vũ khí hạt nhân”.
Cẩm Bình (theo Politico)